Blog thị trường

Đầu tư đúng chỗ cho cá tra

Cập nhật, 09:55, Thứ Sáu, 30/03/2018 (GMT+7)

Việc Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa phê duyệt đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” với tổng nguồn vốn gần 600 tỷ đồng, được cho là rất cần thiết.

Bởi, cá tra ở ĐBSCL hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, song theo nhiều chuyên gia thì chất lượng giống suy giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng sản lượng cá.

ĐBSCL hiện có hơn 100 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra và hơn 1.850 hộ ương dưỡng cá giống. Sản lượng cá tra bột ước đạt 16,5 tỷ con/năm.

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về vùng ương, kỹ thuật sản xuất cá giống… vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Tỷ lệ con giống chưa được kiểm soát do bán trôi nổi trên thị trường chiếm hơn 50%.

Chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết đã xuống đến mức báo động. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ cuối năm 2017 đến nay, do khan hiếm cá giống nên giá tăng vọt lên mức 45.000- 50.000 đ/kg (loại 30 con/kg), thay vì đầu năm chỉ 27.000 đ/kg. Thậm chí, theo phản ánh của một số doanh nghiệp nuôi và chế biến, sự khan hiếm này khiến họ phải trả đến 75.000 đ/kg cá tra giống “nhưng không dễ để mua”.

Theo đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, tập trung tại An Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh trong vùng, mục tiêu nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung- cầu về sản xuất giống.

Theo đó, cấp 1 là các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, trường ĐH cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt để chuyển giao cho đơn vị cấp 2; cấp 2 là Trung tâm Giống thủy sản An Giang, trung tâm giống thủy sản cấp 1 của tỉnh cung cấp cá tra bột; cấp 3 là trung tâm giống, các doanh nghiệp, cá nhân…

Đến năm 2020, diện tích tham gia chuỗi liên kết đạt 1.000ha, chiếm 50% diện tích ương giống cá tra khu vực ĐBSCL.

HOÀNG MINH