Xu hướng thị trường tết có đang xoay chiều?

Cập nhật, 06:11, Thứ Sáu, 23/02/2018 (GMT+7)

Quan sát thị trường Tết Mậu Tuất 2018, có thể thấy một số xu hướng tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi qua việc hài hòa giữa nhu cầu ăn tết và chơi tết, mua sắm vừa phải chứ không “xả láng”.

Bến chợ An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) trưa 30 tết vẫn còn đầy ắp hoa vạn thọ.
Bến chợ An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) trưa 30 tết vẫn còn đầy ắp hoa vạn thọ.

“Liệu cơm gắp mắm” ăn tết

Ăn tết truyền thống, người Việt luôn có quan điểm “gạo, muối đầy hũ, nước phải đầy lu”… nói chung những thứ thiết yếu nhất trong nhà phải đầy đủ, cho gia đình quanh năm sung túc.

“Ông bà mình quan niệm ngày mùng 1 tết mà hũ gạo vơi đi, thì cả năm vất vả”- cô Nguyễn Thị Hiệp ở xã Long An (Long Hồ) lý giải. Tuy nhiên, cô Hiệp cũng cho rằng, nhiều người ở nông thôn vẫn giữ nếp xưa nhưng ăn tết có phần khác đi ít nhiều.

Chẳng hạn, bánh mứt không còn tự làm nhà mà hầu hết mua ở chợ, cũng thịt kho rệu, thịt dồn khổ qua nhưng chỉ nấu đủ ăn đôi ba ngày. Hơn nữa, ngày nay không còn ăn tết kiểu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, các tiểu thương chỉ đóng cửa hàng 1- 2 ngày rồi bán lại, nên không cần phải dự trữ quá nhiều đồ ăn tết như trước.

Thực tế, một tiểu thương bán đồ rẫy ở chợ Tân Long (Mang Thít) cho biết mọi năm cận tết người đi chợ không chen chân được nhưng năm nay chợ thưa vắng hơn và sức mua cũng giảm. Nếu mọi năm chị trữ cả tấn hàng rau củ bán hết trơn thì năm nay tới chiều 30 tết chỉ bán được phân nửa.

Trong khi đó, nhiều người đi chợ tết TP Vĩnh Long bất ngờ vì năm nay hàng hóa hầu như không có “giá tết”. Các loại thực phẩm gà, cá, thịt heo, tôm, rau củ quả… có giá khá bình ổn. Thậm chí, nhiều người bán đồ rẫy ở chợ tết Vĩnh Long còn rao hàng “hổng có giá tết đâu”.

Theo chị Lê Ngọc Hân (Phường 3- TP Vĩnh Long), vài năm nay nhiều gia đình không chỉ chú trọng chuyện ăn tết mà còn dành thời gian đi du lịch, thăm thú nhiều hơn. Vì thế, các gia đình mua đồ trữ lạnh chỉ vừa đủ ăn, đãi khách tới nhà “lai rai”.

Thực đơn ngày tết ngoài các món ăn truyền thống, nhiều gia đình khá giả còn bỏ công săn lùng các “đặc sản” miền Tây như khô trâu, khô bò, khô cá thòi lòi biển… cho lạ miệng.

Bên cạnh đó, giỏ quà tết nhiều năm “làm mưa làm gió” trên thị trường, trong đó có tình trạng hàng kém chất lượng, có vỏ mà không có ruột, nên năm nay người tiêu dùng chuộng mua các loại bánh chất lượng ngon, bao bì đẹp hoặc tự lựa chọn hàng trước khi gói quà.

Bia rượu cũng vậy, người tiêu dùng chọn bia biếu tặng với giá vừa túi tiền chứ không chỉ “mắc tiền tặng cho nó sang”.

Đó là một số ghi nhận cho thấy xu hướng tiêu dùng, ăn tết ngày càng đi vào thực chất hơn, chú ý chất lượng hàng hóa, mẫu mã đẹp và cũng phải “liệu cơm gắp mắm” theo túi tiền của mình.

Nông dân cũng cần nghiên cứu thị trường

Thời tiết bất thường, mưa trái mùa làm nhiều người dự báo hoa tết sẽ hiếm hàng, tăng giá, nhưng không phải như vậy.

Các loại hoa tết như cúc, đặc biệt vạn thọ được nông dân trồng cung cấp ra thị trường với số lượng rất lớn, có người còn cho rằng “tết này, đi đâu cũng gặp bán bông vạn thọ”.

Anh Minh Lợi ở Phường 5 (TP Vĩnh Long) cho biết đầu tư khoảng 45 triệu đồng trồng hoa tết, do ảnh hưởng thời tiết nên chi phí phân thuốc, chăm sóc khá lớn. Tuy vậy, nhiều loại hoa như hướng dương, thược dược không kịp nở trong khi cúc lại nở quá sớm… Mùa hoa tết lỗ nặng vì thu lại chưa bằng 1/2 chi phí đầu tư.

Những người tự trồng và bán hoa ở chợ tết như anh Lợi cho biết cũng “hên xui lắm”. Trong khi chủ ruộng hoa hơn 7.000 chậu ở Long Phước bán được giá cho thương lái 70.000- 80.000 đ/cặp vạn thọ, 200.000 đ/cặp cúc, chủ ruộng ở Thanh Đức (Long Hồ) bán hết hoa mào gà 140.000 đ/cặp từ 20 tháng Chạp, các chủ vườn trồng vài trăm chậu vạn thọ ở xã Long An (Long Hồ), Hòa Thạnh (Tam Bình) bán được giá 40.000- 50.000 đ/cặp… thì ngược lại, chợ hoa tết ở TP Vĩnh Long và các chợ huyện đều bị “dội hàng”, đến ngày 30 tết, vạn thọ “đại hạ giá” chỉ còn 5.000 đ/chậu nhưng vẫn ế ẩm.

Thị trường dưa hấu cũng tươi ở ruộng, héo ở chợ. Cánh đồng xã Tân Hưng (Bình Tân) những ngày cận tết nhộn nhịp thu hoạch dưa với giá 5.300-6.000 đ/kg, giá này nông dân lời hơn 10 triệu đồng/công, với năng suất khoảng 3 tấn.

Sau đó, giá dưa chưng từ 12.000- 15.000 đ/kg, dưa ăn 10.000-12.000 đ/kg đã bắt đầu đại hạ giá xuống còn 5.000- 8.000 đ/kg đêm 29 tết và qua ngày 30 tết đã “xuống đường” bán sổ.

Từ những quan sát trên đây, có thể rút ra đôi nét về một quy luật thị trường như thế này: mặt hàng nào năm trước dội chợ thì năm sau hút hàng và ngược lại.

Vì thế, rất nhiều nông dân, nhà vườn dựa vào yếu tố “quy luật” này để “nhắm chừng” nuôi, trồng nhiều hay ít vào năm sau. Tuy nhiên, vì không có một khảo sát cụ thể và dự báo thị trường một cách căn cơ, nên rất nhiều năm, người dân phải “ôm dưa hấu hay ôm vạn thọ” ăn tết là vậy.

Điều này không chỉ gây tổn thất cho nông dân, mà còn khiến thị trường “bị làm giá”. Có thể nói, tết là thị trường tiêu thụ rất lớn đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt các nông sản địa phương.

Đường phố chợ Vĩnh Long sáng mùng 4 tết khá thưa khách.
Đường phố chợ Vĩnh Long sáng mùng 4 tết khá thưa khách.

Đã có rất nhiều nông dân tự mày mò làm ra các sản phẩm lạ, “độc” như: dừa hồ lô, bưởi Tài Lộc, dừa in chữ nghệ thuật, dưa lê Thần Tài, xoài nổi chữ, dưa thỏi vàng… rất thành công.

Chính vì thế, rất cần có một chiến lược khảo sát, nghiên cứu để khai thác thế mạnh cho nông sản địa phương, đồng thời tránh đi những rủi ro “thừa hàng, dội chợ tết”.

Bài, ảnh: LÝ AN