Vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022

Chủ động, linh hoạt sản xuất

Cập nhật, 08:06, Thứ Ba, 30/11/2021 (GMT+7)

Để tăng hiệu quả sản xuất lúa và lợi nhuận cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp, khuyến cáo trong tình hình dự báo hạn mặn và bối cảnh dịch COVID- 19 còn diễn biến phức tạp.

 

Nông dân cần xuống giống theo hướng “né rầy” và “né mặn”.
Nông dân cần xuống giống theo hướng “né rầy” và “né mặn”.

Sản xuất: vừa chủ động, vừa linh hoạt

Năm nay, lũ về nhỏ, nhưng nhiều nông dân đã mở đồng đón lũ, nhận phù sa để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2021- 2022.

Vụ lúa Đông Xuân này toàn tỉnh xuống giống 50.000ha với 3 đợt gieo sạ. Đợt 1 đã xuống giống dứt điểm khoảng 5.000ha. Trong tháng 10 âl xuống giống đợt 2 35.000ha- đợt xuống giống nhiều nhất trong vụ lúa. Bởi theo nhiều nông dân trong con nước tháng 10 âl này, nước lên vừa phải và qua tết trà lúa phát triển phù hợp với thời tiết, sẽ cho năng suất cao hơn.

Sau 3 tuần thu hoạch lúa Thu Đông, chú Nguyễn Văn Bảy (thị trấn Long Hồ) đã mua lúa giống để kịp sạ trong tháng 10 âl. Chú Bảy cho hay: “Năm nay nước vào đồng ít, tôi cũng đã chủ động khâu vệ sinh đồng ruộng, cày, xới vùi gốc rạ vào đất và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, tuân thủ lịch xuống giống của địa phương, sạ cho đồng loạt. Tôi cũng chọn lúa giống có chất lượng, để nâng cao năng suất”.

Tại Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho biết: Vụ lúa này, nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ đã khuyến cáo, thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Địa phương cũng đã củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bộng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước trên hệ thống kinh rạch nội đồng. Đồng thời, khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu được ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cũng cho biết: Dự kiến, vụ lúa Đông Xuân này, huyện sẽ xuống giống 6.200ha, năng suất ước đạt 6,8 tấn/ha. Tại một số địa phương, nông dân đã chủ động xuống giống thời điểm “né mặn” và xuống giống đồng loạt. Tuy nhiên, bên cạnh những diễn biến khó lường của thời tiết, vụ lúa Đông Xuân này, nhiều nông dân cũng lo lắng chi phí đầu vào tăng cao, do giá nhiều loại vật tư đang tăng mạnh.

Song song đó, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay, theo Cục Trồng trọt, nước mặn xâm nhập vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa, đến quá trình trổ, chín của lúa Đông Xuân 2021- 2022 vào cuối vụ, có thể gây thất thu. Đồng thời, ảnh hưởng gián tiếp làm rối loạn các quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Việc xuống giống lúa Đông Xuân sớm sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Do vậy, đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn do ảnh hưởng của hạn mặn cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa- 1 màu.

Để vụ lúa bội thu

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, năm nay do lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về ÐBSCL bị giảm so với mọi năm, nên dự báo hạn mặn trong mùa khô năm 2021- 2022 tại vùng ÐBSCL sẽ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Do đó, để lúa Đông Xuân đạt năng suất, sản lượng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh gây ra, nông dân cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp.

Theo đó, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương. Ngoài các giống chủ lực (ML 202, OM 5451, OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8, OM 18,…), cần áp dụng 3- 4 giống bổ sung (LH8, OM 2517, OM 9577, OM 9955,...). Đối với các giống chất lượng thấp (IR50404, ML202) cần hạn chế sử dụng.

Cần nhân rộng các mô hình để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Cần nhân rộng các mô hình để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Theo khuyến cáo của ông Hồ Phước Dư, nông dân chỉ nên bắt đầu xuống giống lúa Đông Xuân tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 3- 4 tuần. Trên cơ sở lịch thời vụ chung của huyện, tùy điều kiện khí tượng thủy văn, hệ thống đê bao thủy lợi, các địa phương cần xây dựng lịch xuống giống phù hợp theo hướng tập trung “né rầy” và định hướng “né mặn” cho vụ Đông Xuân. Trong đó, nông dân cần xuống giống đồng loạt trên từng khu vực; xuống giống tập trung, dứt điểm sớm từ 7- 10 ngày/đợt/cánh đồng; không xuống giống kéo dài so với khung lịch thời vụ chung.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân 2021- 2022. Cụ thể, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chăm sóc phòng trừ dịch hại; khuyến cáo và nhân rộng các mô hình sản xuất giảm giá thành, như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.

Để nông dân sản xuất hiệu quả, an tâm về chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra, kiên quyết và kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ gây tăng giá làm tăng chi phí đầu tư và thiệt hại cho nông dân.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG