Lúa đồng bằng "thắng lợi kép" trong thế chủ động

Cập nhật, 06:54, Thứ Hai, 19/04/2021 (GMT+7)

Trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn vẫn gia tăng sự ảnh hưởng ở ĐBSCL, song nhờ “kinh nghiệm” ứng phó và sự chủ động mọi mặt, lúa Đông Xuân 2020- 2021 đã thắng lợi kép, với “3 cái được”: được mùa, được giá và được tiêu thụ dễ dàng. Điều mà theo nhận định ngành chuyên môn và nông dân “ít nhất 5 năm trở lại đây chưa vụ nào đạt được”.

Tuy nhiên, làm gì để bảo vệ thành quả này trong những vụ lúa tiếp theo khi kịch bản hạn- mặn cũng như thị trường tiêu thụ được dự báo tiếp tục chịu tác động sâu sắc đến ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, đang thực sự là bài toán đặt ra.

Kỳ 1: Từ kinh nghiệm tránh hạn- mặn, vụ lúa “thắng lợi trọn vẹn”

Nhiều nông dân bán lúa giá khá cao.
Nhiều nông dân bán lúa giá khá cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, dù chưa thu hoạch hết diện tích lúa Đông Xuân tại vùng Nam Bộ, nhưng với những gì đang diễn ra thì chúng ta vui mừng khẳng định rằng, vụ lúa đã thắng lợi trọn vẹn trên các mặt nhờ sự chủ động thực hiện các giải pháp…

Vượt xa mong đợi

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi đó cánh đồng lúa ở ấp Phú Sơn (xã Long Phú- Tam Bình) vừa trổ đòng là bà con đã nhận tiền cọc, với “giá cao bất ngờ”. Cô Huỳnh Thị Thảo cho biết: “Từ đó giờ làm lúa bán được 90.000- 100.000 đ/giạ (1 giạ = 20kg) là mừng hú hồn rồi. Đông Xuân năm rồi cũng chỉ 100.000 đ/giạ, còn lấp vụ vừa qua cũng chỉ 120.000đ, còn năng suất thì chỉ 7- 8 bao/công. Còn vụ Đông Xuân thì vượt xa mong đợi, vừa trúng mùa, vừa trúng giá.”

6 công lúa của cô Thảo gieo sạ giống OM7347, bán giá 6.800 đ/kg, tương đương 136.000 đ/giạ.  “Cắt rồi vài ngày sau thương lái mới đến cân, bởi xung quanh lúa trúng đều trời chở không kịp. Bổ đồng 16 bao/công, mỗi bao là 57- 60kg, tính ra hơn 40 giạ lận.”- cô Thảo đồng thời cho biết, “bán ngon ơ, vừa sạ hơn một tháng là có lái đến định đặt cọc mua”.

Không chỉ lúa chất lượng cao, mà ngay những giống lúa cấp thấp cũng trúng mùa được giá. Tại ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn), cô Nguyễn Thị Duyên cho biết, trước tết lái đến hỏi mua lúa giống Ma Lâm 202 (lúa gà) với giá 6.000 đ/kg. Bà con ở đây ai cũng mừng rỡ, định đặt cọc luôn vì “giá đó ngon lắm rồi”.

Bởi theo cô Duyên, năm ngoái vụ Đông Xuân chỉ 5.000 đ/kg; lấp vụ vừa qua được 6.000 đ/kg. “Vụ này tui và bà con ở đây ước mơ được 7.000 đ/kg. Không ngờ, qua tết giá lúa lên 7.200 đ/kg. Dù sau đó vài ngày lúa sụt chút đỉnh nhưng cũng chốt giá 7.000 đ/kg. Đó là mức giá không tưởng đối với người trồng lúa!”- cô Duyên phấn khởi cho biết.

Nhiều nông dân cho biết, nhờ thời tiết năm nay khá thuận lợi nên đạt năng suất cao. Nông dân Trần Văn Á (xã Nhơn Bình) cho biết: “Tính sơ sơ mỗi công lời thủ chắc 3 triệu đồng. Cả chục năm nay, tui mới thấy giá lúa được 140.000 đ/giạ”.

Ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã chủ động trước hạn, mặn nên năng suất lúa Đông Xuân cao hơn so với cùng kỳ. Toàn tỉnh xuống giống hơn 47.000ha, giảm khoảng 5.000ha so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm do hiệu quả kinh tế của vườn cây lâu năm như cây cam, bưởi, sầu riêng... đạt khá cao nên sau khi thu hoạch lúa xong, một số địa phương chuyển đổi sang trồng cây lâu năm. Các địa phương chuyển đổi nhiều nhất là huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình.

Tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố- Nguyễn Ngọc Hè cho biết: “Cần Thơ đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông Xuân, với hơn 77.000ha, năng suất cao nhất trong nhiều năm qua- đạt 7,6 tấn/ha, lợi nhuận của bà con trồng lúa trong vụ này đạt tối thiểu từ 45% trở lên. Các giống lúa chủ yếu đặc sản, thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên việc tiêu thụ có nhiều thuận lợi. Tiêu thụ cũng đạt kết quả tốt nhất.”- ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), sản xuất vụ này trong bối cảnh tiêu thụ có nhiều triển vọng, năng suất và giá bán lúa đang ở mức cao, tạo nguồn lợi nhuận hấp dẫn cho người dân. Cụ thể, năng suất lúa bình quân của toàn vùng Nam Bộ đang tăng hơn 0,2 tấn/ha so với cùng kỳ, khi đạt 7 tấn/ha; riêng ĐBSCL, năng suất lúa bình quân đang đạt 7,05 tấn/ha, tăng 0,21 tấn/ha. Về giá lúa dao động từ 6.000- 7.400 đ/kg, tăng từ 1.000- 2.000 đ/kg so với cùng kỳ.

Chủ động giảm diện tích

Một trong những giải pháp mang lại kết quả vụ Đông Xuân năm nay là sự chủ động điều chỉnh giảm diện tích gieo sạ những nơi không phù hợp hạn- mặn. Cụ thể, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ hơn 1,51 triệu héc ta, giảm khoảng 30.000ha. Trong đó, Tiền Giang giảm 6.000ha, Trà Vinh 2.000ha, Vĩnh Long giảm 5.000ha (do chuyển đổi cây trồng)...

Mặt khác, nhờ sự chủ động về lịch thời vụ, tiến hành sớm hơn 20- 30 ngày với diện tích xuống giống nhiều hơn ở vùng ven biển. Những vùng còn lại phân bố thời gian xuống giống xen kẽ để chia sẻ nguồn nước khi thiếu hụt cho sản xuất.

Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết: “Trong các tháng 10 và 11/2020 liên tục chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão lớn số 7, số 8 gây mưa to liên tục trên diện rộng kết hợp triều cường cao dẫn đến một số diện tích cần chủ động xuống giống sớm do thoát nước chậm. Tuy nhiên, các địa phương đã kịp thời khắc phục khẩn trương bơm tát và chủ động xuống giống theo nước rút nên vẫn đảm bảo đúng kế hoạch”.

“Điểm nhấn” trong vụ lúa này là tình hình hạn mặn vẫn gay gắt, kéo dài nhưng do sự chủ động, kích hoạt ứng phó hạn, mặn từ rất sớm nên đến nay không có diện tích lúa nào bị thiệt hại.

Vụ lúa “thắng lợi trọn vẹn”.
Vụ lúa “thắng lợi trọn vẹn”.

Ông Nguyễn Chí Thiện- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Long An chia sẻ: Địa phương đã dịch chuyển mùa vụ bằng giải pháp xuống giống lúa Đông Xuân sớm nên hơn 56.000ha lúa vùng hạn, mặn của tỉnh không bị thiếu nước ngọt trong sản xuất. Bên cạnh đó, chất lượng nước vào đồng ruộng cũng đảm bảo hơn khi độ mặn cao nhất chỉ ở mức 1,2‰, giảm 0,6‰ so với cùng kỳ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nên hơn 226.000ha lúa Đông Xuân của tỉnh đạt thắng lợi, trong đó phấn khởi nhất là mức lợi nhuận của người dân thu được từ 30-40 triệu đồng/ha sau khi bán lúa.

Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia- cho hay: Người dân vùng Nam Bộ còn có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống lúa gieo sạ và giảm mạnh ở mức gieo sạ trên 150 kg/ha khi giảm đến 0,7%; đồng thời mức gieo sạ dưới 100 kg/ha tăng 0,2%.

Bài, ảnh: MINH ANH