Nuôi gà đặc sản rộng đầu ra

Cập nhật, 06:28, Thứ Ba, 10/11/2020 (GMT+7)

 

Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn, ổn định và bền vững, vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long thực hiện mô hình gà đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn sinh học. Đến nay bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Mô hình được triển khai từ tháng 8/2020 với quy mô 1.500 con tại 5 hộ dân thuộc phường Tân Ngãi (TP Vĩnh Long). Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% về gà giống, 30% về thức ăn chăn nuôi, chế phẩm Balasa, bên cạnh là tập huấn kỹ thuật chuồng trại, chọn lựa gà giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh…

Anh Nguyễn Thành Lợi (khóm Vĩnh Bình, phường Tân Ngãi) là 1 trong 5 hộ được chọn thực hiện mô hình. Tận dụng đất trống sau nhà thả nuôi 300 con gà, anh Lợi cho biết: “Lúc đầu mới đem gà về nuôi tôi rất lo lắng, nhưng được sự hỗ trợ tận tình của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long trong các khâu chăn nuôi nên gà lớn nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh cho gà, chất lượng thịt gà thơm ngon, tỷ lệ gà nuôi sống đạt trên 95%. Nhờ được hỗ trợ nên chi phí đầu tư ban đầu được giảm khá nhiều”.

Qua 3 tháng nuôi, anh Nguyễn Thành Lợi đã xuất bán 287 con, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 1,7kg. Với giá bán lẻ 70.000 đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đem về cho gia đình anh Lợi hơn 7.000.000đ. Hiện tại anh Lợi đang chuẩn bị lại chuồng để tiếp tục mở rộng chăn nuôi giống gà này.

Theo bà Cao Thị Nhung (khóm Tân Thuận An, phường Tân Ngãi), tham gia mô hình này, bà được hướng dẫn kỹ thuật chăn chuôi theo hướng an toàn sinh học, gà giống biết nguồn gốc, thức ăn đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng quy trình tiêm phòng, chuồng trại sử dụng men Balasa cũng giảm hẳn mùi hôi, gà hầu như ít bị bệnh, sức đề kháng tốt hơn hẳn so với nuôi truyền thống trước đây.

Nhờ vậy, đàn gà nuôi của gia đình bà hạn chế dùng đến thuốc kháng sinh thú y.

Nếu trường hợp gà có bệnh bà sử dụng thuốc thú y chữa bệnh cho gà ít chi phí hơn trước đây. Qua đợt nuôi này, bà Nhung cũng cho biết bà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nuôi gà cho bà con nông dân lân cận khi có nhu cầu học hỏi để áp dụng chăn nuôi phát triển đàn gà địa phương.

Đánh giá kết quả mô hình của Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long cho thấy, qua 3 tháng triển khai, gà lai bản địa là giống gà dễ nuôi, phù hợp với phương thức thả vườn, sinh trưởng phát triển tốt.

Người dân thu nhập sau khi trừ chi phí hỗ trợ còn lãi gần 8 triệu đồng/hộ, lợi nhuận cao hơn 5,5- 6,5 triệu đồng/hộ so với nuôi gà theo hình thức đại trà, truyền thống.

Theo Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, việc xây dựng mô hình nuôi gà đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn sinh học nhằm giúp bà con nông dân tiếp thu thêm khoa học kỹ thuật nuôi mới, vừa đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh kế cao hơn.

Đồng thời hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Thời gian qua, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được triển khai và nhân rộng tại địa bàn TP Vĩnh Long và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp để nhân rộng, nhiều triển vọng hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ.

Trong năm 2019, mô hình nuôi gà đặc sản bản địa trên đệm lót sinh học được triển khai tại 11 hộ thuộc 3 phường: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa (TP Vĩnh Long).

Kết quả hạch toán kinh tế cho một điểm nuôi 300 con theo hướng an toàn sinh học sau 3 tháng tuổi, hao hụt bình quân 13 con, còn lại 287 con, bình quân 1,7 kg/con. Giá bán gà thịt 60.000 đ/kg. Người nuôi có lời gần 7 triệu đồng.

Từ hiệu quả chăn nuôi khả quan với nhiều tiềm năng mở rộng, nhiều hộ dân đề nghị sớm hình thành tổ hợp tác chăn nuôi gà để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Theo Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, ngành chuyên môn đang xúc tiến việc ký kết chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà từ con giống, thức ăn đầu vào đến sản phẩm đầu ra có cơ sở thu mua với giá cao hơn giá thực tế tại địa phương.

Trước mắt, ngành chuyên môn khuyến nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền phát triển mô hình, người chăn nuôi tiếp tục nhân rộng, tiến tới hình thành tổ hợp tác để có sản lượng lớn, chất lượng cao, tạo cơ sở để ký kết chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà.

Bài, ảnh: THÀNH LONG - VĂN LỤC