Trà Ôn

Chuyển đổi trên 3.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn

Cập nhật, 15:37, Thứ Tư, 18/03/2020 (GMT+7)

Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện chuyển đổi 3.142,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn, đã nâng diện tích vườn hiện có 12.223,6ha (tăng 1.997,7ha so năm 2015), trong đó có 10.257,2ha vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: bưởi Năm Roi, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng,... với sản lượng đạt 115.393 tấn/năm.

Riêng cam sành có 4.356,6ha (trong đó cam sành thâm canh trên đất lúa có 3.142,2ha), với 2.630,2ha đang cho hiệu quả kinh tế (chiếm 60,4%) mang lại lợi nhuận ước đạt 100- 120 triệu đồng/ha vào mùa thuận và 280- 300 triệu đồng/ha vào mùa nghịch.

Qua đó, góp phần nâng giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đạt 189 triệu đồng/ha/năm (tăng 58 triệu đồng/ha so với năm 2015) và nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng/người/năm so năm 2015).

Với mục tiêu tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất, các cấp, các ngành và địa phương tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đặc biệt coi việc phát huy hiệu quả sản xuất và hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh là bước đột phá trong nông nghiệp.

THANH HIẾU