Nhà nông tìm hiểu

Chăm sóc bưởi da xanh trong và sau hạn, mặn

Cập nhật, 13:59, Thứ Ba, 31/03/2020 (GMT+7)

Tôi có 8 công bưởi da xanh, thời gian qua vườn bưởi của tôi bị thiếu nước và nhiễm mặn, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn tôi cách chăm sóc vườn bưởi để không bị giảm năng suất?

Huỳnh Văn Xuân (Thanh Bình- Vũng Liêm)

Anh Xuân mến! Để giảm tác hại của hạn, mặn, anh cần chăm sóc bưởi cả trong và sau hạn, mặn. Theo đó, trong thời kỳ hạn, mặn, anh cần sử dụng các vật liệu thô xanh đậy gốc, giữ ẩm cho cây hoặc sử dụng loại lưới lan chắn sáng 80% cũng giúp hạn chế bốc thoát hơi nước.

Kiểm tra hệ thống đê bao ngăn mặn, hạn chế rò rỉ nước lợ vào vườn. Thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn, khi có nước ngọt thì tranh thủ đưa nước vào tưới và dự trữ.

Nếu cây đang mang trái, anh cần điều chỉnh sức nuôi cân đối với lượng nước dự trữ, cần thiết thì hủy một phần hay toàn bộ trái để cứu cây không bị chết kiệt do thiếu nước.

Nếu vườn cây bị xâm nhập mặn, anh cần nhanh chóng rút nước mặn ra khỏi vườn, tìm nguồn nước ngọt để tưới rửa mặn trong thời gian sớm nhất. Chú ý sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước.

Khi không có nước ngọt để tưới anh không bón phân NPK, có thể phun phân bón lá Hydrophos- Zn, Canxi, các hoạt chất hỗ trợ khác để tăng tính chịu hạn, giảm tác hại của mặn đối với cây.

Khi có mưa hoặc nước ngọt trở lại thì kiểm tra độ mặn, pH đất. Sau khi tưới rửa được 3- 5 ngày thì bón vôi CaO, CaCO3 khoảng 500- 800 kg/ha nhằm rửa phèn, mặn trong đất.

Sau đó, tưới rửa tiếp thêm 3- 4 ngày thì bón phân chứa nhiều lân như DAP liều lượng khoảng 100- 150kg + 5kg super humic cho mỗi hecta. Tiếp tục tưới thêm vài ngày cho phân tan, thấm đều vào đất, nhằm giúp cây ra rễ mới, phục hồi sinh trưởng.

Sau khi cây ra tược chớm già thì bón phân hữu cơ và NPK với lượng vừa phải. Việc tỉa cành, tạo tán khi cây đã hồi phục sau mặn và khi thời tiết đã mát dịu trong mùa mưa. Loại bỏ bớt bông, trái trên cây bị ảnh hưởng mặn.

BẠN NHÀ NÔNG