Hiến kế giúp cây trồng vượt "stress mặn"

Cập nhật, 07:33, Thứ Ba, 10/03/2020 (GMT+7)

Trong bối cảnh hạn mặn khốc liệt đang diễn ra tại ĐBSCL, Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó cho cây trồng và vật nuôi. Riêng đối với cây trồng, các nhà khoa học cho rằng, cần phải biết mặn gây tổn thương cho cây như thế nào để từ đó tìm ra những biện pháp hạn chế tác hại của nó.

Một nông dân ở Giồng Trôm (Bến Tre) đành cắt lúa nhiễm mặn cho… bò ăn.
Một nông dân ở Giồng Trôm (Bến Tre) đành cắt lúa nhiễm mặn cho… bò ăn.

Phòng chống tác hại của mặn cho lúa

GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ- nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) cho rằng, tác hại của mặn trên cây trồng có thể được xếp vào 3 nhóm chính: cây trồng không hút được nước; không hấp thụ được dưỡng chất và bị ngộ độc trong điều kiện bị “stress mặn”.

Riêng đối với vụ lúa Hè Thu sắp tới, để đề phòng tác hại của mặn gây ra trước tình trạng hạn, mặn và thời tiết nóng như hiện nay, nhà khoa học khuyến cáo cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của địa phương về thời điểm xuống giống. Đồng thời, có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày chịu mặn như OM5451, OM2517, OM6976, OM6162, OM9921, GKG1, OM6677.

Đồng thời, cần chuẩn bị đất trồng với 6 bước kỹ thuật như: làm đất, bón vôi, ngâm nước ruộng, đánh rãnh phèn, cường sức hạt giống và áp dụng kỹ thuật “sạ nước”.

Theo đó, cần cày hoặc xới đất ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân để cắt mao dẫn phèn, phân hủy rơm rạ, hạn chế sâu bệnh, có thời gian phơi ải đất... Trước khi xuống giống khoảng 2 tuần, bón vôi đều khắp ruộng để đuổi mặn, hạ phèn (từ 30- 50kg loại “đá vôi nung”/công 1.000m2).

Sau khi bón vôi, đưa nước vào ngâm ruộng tối thiểu khoảng 2 tuần để độc chất mặn và phèn đi ra dung dịch đất. Xả bỏ nước ruộng cạn đến đáy rãnh phèn, vì ở thời điểm này độc chất phèn và mặn trong dung dịch đất rất cao. Theo đó, cần đánh nhiều rãnh phèn trong ruộng (rộng 20cm và sâu 20cm, các rãnh cách nhau 6m).

Bên cạnh, để tăng sức chống chịu của hạt giống với điều kiện bất lợi của môi trường khi ở trên đồng, có thể bổ sung chất điều hòa sinh trưởng thực vật brassinolide lúc ngâm ủ giống.

Nếu đất canh tác không được bằng phẳng, nên áp dụng kỹ thuật “sạ nước” để hạn chế tác hại của nắng nóng gây luộc giống hay quéo mộng. Sạ nước khác với sạ ngầm, để áp dụng thành công phải thực hiện đúng kỹ thuật từ cách ủ giống, làm đất và giữ mực nước ruộng lúc sạ.

Hạn chế tác hại của mặn trên vườn cây ăn trái

Theo PGS.TS. Lê Vĩnh Thúc- Bộ môn Khoa học Cây trồng (ĐH Cần Thơ), mức độ thiệt hại do mặn có mối quan hệ với khả năng chịu mặn của cây.

Theo đó, cần rửa mặn, hạn chế bốc thoát hơi nước, sử dụng các khoáng như canxi, kali để giảm ảnh hưởng của mặn lên cây trồng. Đề cập giải pháp sử dụng nước mặn tưới cho một số cây trồng phù hợp, ông lưu ý thời gian và cách tưới ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Vườn cây ăn trái ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) bị ảnh hưởng mặn.
Vườn cây ăn trái ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) bị ảnh hưởng mặn.

GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ lưu ý liếp vườn ở những vùng đất nhiễm mặn phải rộng và trồng cách xa bờ mương để ít bị thiệt hại khi mương vườn bị mặn.

Ngay cả việc trồng giống cây ăn trái chịu mặn giỏi cũng không nên đưa nước mặn vô mương vườn, vì nước mặn thấm vô 2 bên bờ liếp mao dẫn lên mặt liếp, nước bốc hơi mặn sắc lại làm độ mặn trong đất tăng lên gấp nhiều lần gây hại cây trồng và làm đất bị mặn nhiều năm sau đó.

Để phòng chống mặn cho vườn cây ăn trái, cần gia cố cống đập, bờ bao ngăn mặn. Bên cạnh, trong mương vườn trữ nước ngọt lúc nào cũng đầy. Mặt khác, kiểm tra độ mặn thường xuyên trong thời gian lấy nước ngọt vì độ mặn trong sông, rạch luôn thay đổi nhất là thời điểm nước “đứng lớn”.

Một gia đình ở xã Thanh Bình trang bị túi trữ nước ngọt dung tích lớn cho sản xuất, sinh hoạt.
Một gia đình ở xã Thanh Bình trang bị túi trữ nước ngọt dung tích lớn cho sản xuất, sinh hoạt.

Đồng thời, có 3 nơi thất thoát nước trong vườn cây ăn trái là mương, mặt liếp và mặt lá cây mà nhà vườn cần biết để ngăn chặn thất thoát nước như làm sạch cỏ mặt liếp; diệt lục bình, bèo, cỏ dại trong mương; phủ ny lông hay rơm rạ, lá dừa, lá mía lên mặt liếp, mặt ao… Cùng với đó, tỉa bỏ những lá nằm khuất trong tán để giảm thất thoát nước.

Trường hợp vườn cây ăn trái bị mặn, “tai nạn” này không những gây tổn thương trước mắt cho cây mà “di chứng” làm cho đất xấu đi nhiều năm sau đó.

Do đó, nhà vườn “cần làm ngay” những biện pháp như: tỉa bỏ bớt cành lá, bông, trái nhất là đọt non nhằm làm giảm thoát hơi nước và giảm tiêu hao dinh dưỡng; che phủ mặt liếp bằng rơm rạ, lá dừa… hay màng phủ nông nghiệp; phun các chế phẩm có hormone brassinolide hay humic acid để tăng khả năng chịu mặn; phun phân KNO3 qua lá với nồng độ là 10 g/L để cung cấp dinh dưỡng.

Sau mùa hạn mặn, cần bón phân cho vườn cây khi có nước ngọt. Theo đó, xới nhẹ lớp đất mặt và dùng nước sông rạch hay nước mưa để rửa mặn. Theo đó, nên bón phân có canxi như phân vôi, thạch cao hoặc phân Đầu Trâu mặn- phèn.

 

GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ

Ở ĐBSCL, mặn ngọt là sự tranh chấp ngày đêm, nước ngọt về yếu thì mặn xâm nhập. Đối với hạn mặn năm nay, ngành nông nghiệp đã có những kịch bản ứng phó và thật ra người dân ở những vùng “có áp lực mặn” đã hiểu và chủ động hơn.

Đối với những khu vực canh tác không chịu được mặn, nông dân cần theo dõi dự báo mặn xâm nhập, canh triều và đo mặn để lấy nước ngọt. Còn trong trường hợp mặn xâm nhập, cần có cách xử lý để giúp cây trồng chống chịu (sao cho cây trồng có thể uống được nước ngọt, lấy được dưỡng chất, hóa giải độc tố…).

Qua đợt mặn, phải rửa- đuổi mặn ngay tránh “di chứng” ảnh hưởng nhiều năm. Về lâu dài, Chính phủ nên có thương lượng với các nước thượng nguồn sông Mekong xả đập thủy điện. Đồng thời, coi lại kỹ thuật canh tác mùa nắng ở ĐBSCL, phân bố lại cây trồng ở các tỉnh; trong đó, hạn chế cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt trong mùa nắng hạn.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU