Chăn nuôi hướng tới thích ứng hạn mặn

Cập nhật, 14:00, Thứ Ba, 17/03/2020 (GMT+7)

Hạn mặn sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi bởi làm giảm hay mất nguồn phụ phẩm trồng trọt là nguồn thức ăn gia súc gia cầm. Song song đó, nếu thiếu nguồn nước ngọt, uống nước nhiễm mặn dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức khỏe, thậm chí gây chết gia súc gia cầm. 

Do vậy, cần có sự chuyển đổi về các mô hình chăn nuôi để nâng cao khả năng thích ứng trong hoàn cảnh hạn hán và nhiễm mặn hàng năm.

Dê có nhu cầu về nước uống thấp và chịu được mặn dưới 7‰.
Dê có nhu cầu về nước uống thấp và chịu được mặn dưới 7‰.

Phú An 2 là ấp bị ảnh hưởng hạn mặn của xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Tuy nhiên, chuồng dê 35 con (trong đó có 20 con dê nái) của anh Võ Văn Nhựt ở ấp này vẫn “khỏe re”.

Theo anh Nhựt, nhu cầu về nước của dê không cao và dê cũng chịu được mặn. “Dê ăn cỏ, trong cỏ đã có nước sẵn nên cần ít nước uống. Khi cần uống nước, nếu nước giếng có bị nhiễm mặn chút đỉnh dê vẫn uống được. Trong khi, dê không cần nước tắm như một số vật nuôi khác”- anh Nhựt cho hay.

Thật vậy, theo các chuyên gia, dê là một trong những loài gia súc có nhu cầu nước uống và vệ sinh thấp bên cạnh các vật nuôi khác như gà, bò thịt, cừu và thỏ; trong khi bò sữa và heo thì nhu cầu nước và vệ sinh cao hơn.

Cụ thể, khả năng chịu mặn của một số loài vật nuôi như sau: gà, vịt chịu mặn từ 1- 2‰; heo dưới 4‰; trâu, bò, dê dưới 7‰... Tuy nhiên, đối với gia súc non, đang mang thai và cho sữa thì khả năng chịu mặn kém hơn ở gia súc trưởng thành và nuôi thịt.

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Thu- Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ), hạn mặn ảnh hưởng trực tiếp đến gia súc gia cầm. Theo đó, nếu thiếu nước ngọt và gia súc gia cầm phải uống nước bị nhiễm mặn, sẽ bị rối loạn tiêu hóa đưa đến tiêu chảy. Nếu sử dụng nước có độ mặn vượt ngưỡng chịu đựng của vật nuôi trong thời gian dài thì có thể gây ngộ độc và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về thận.

Khi đó, sức đề kháng vật nuôi giảm tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật có hại xâm nhập gây ra các bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả, cúm, E.Coli, tụ huyết trùng,... ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và sức kháng bệnh của vật nuôi, nếu bị nặng vật nuôi sẽ chết.

Về tác động hạn mặn đối với ngành chăn nuôi, GS. TS. Nguyễn Văn Thu lý giải, mức tác động phụ thuộc vào loại hình chăn nuôi.

Theo đó, chăn nuôi công nghiệp ảnh hưởng ít hơn do cách ly với môi trường đất, chủ động về nguồn nước và thức ăn cung cấp có kiểm soát. Trong khi đó, chăn nuôi gia đình quy mô nhỏ thì ảnh hưởng lớn hơn vì dựa vào môi trường sống: đất nước, thảm thực vật, chuồng trại…

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Thu, dựa vào thực tế ảnh hưởng hạn mặn ở địa phương, cần lựa chọn những loài và giống vật nuôi phù hợp, thích ứng hạn mặn và dịch bệnh để phát triển và có đầu tư lâu dài (ví dụ: gà, vịt, dê cừu, bò, thỏ, động vật hoang dã).

Bên cạnh, hạn chế mặn xâm nhập, phát triển và dự trữ nước ngọt, sử dụng cây trồng thích ứng hạn hán và nhiễm mặn. Cùng với đó, lựa chọn mô hình chăn nuôi công nghiệp mới (gà, vịt biển, heo, động vật hoang dã…), mô hình chăn nuôi kết hợp thông minh (ví dụ: thỏ, tôm và cỏ; dê, cây cỏ chịu mặn và cây ăn trái; bò sữa, bò thịt, lúa và cỏ chịu mặn, tôm cá,…) nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phù hợp với hạn mặn…

Đồng thời, đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển các dự án về mô hình chăn nuôi mới, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi thích ứng hạn mặn.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU