Các điểm nhấn cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp

Cập nhật, 05:32, Thứ Tư, 25/12/2019 (GMT+7)

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp ở huyện Vũng Liêm đến cuối năm 2019: trồng trọt 65,81%, chăn nuôi 28,96%, dịch vụ 5,23%. Theo tính toán, bình quân giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 168 triệu đồng/ha (tăng 5 triệu đồng/ha so năm 2018).

Một vườn cam sành trên đất lúa mới trồng ở xã Hiếu Thành. Người nông dân tính, trồng cam sành lợi nhuận gấp 8-10 lần trồng lúa.
Một vườn cam sành trên đất lúa mới trồng ở xã Hiếu Thành. Người nông dân tính, trồng cam sành lợi nhuận gấp 8-10 lần trồng lúa.

Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt 3.595,7 tỷ đồng (đạt 99,97%, tăng 1,97%) trong tổng giá trị nông- lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt 3.990,5 tỷ đồng (đạt 100,06%, tăng 1,86%).

Điều này cơ bản phản ánh bức tranh kinh tế nông nghiệp ở địa bàn tiếp tục chuyển biến tích cực. UBND huyện Vũng Liêm đánh giá, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả; sản xuất lúa, rau- màu, chăn nuôi, cải tạo vườn kém hiệu quả đạt kế hoạch đề ra.

Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, huyện đã kết hợp với tỉnh triển khai 17 mô hình, dự án khuyến nông với kết quả đều có lợi nhuận khá cao cho hộ tham gia.

Về lúa, toàn huyện tiếp tục duy trì 28% diện tích sản xuất cánh đồng lúa chất lượng cao tại 7 xã (diện tích 3.500ha). Dù việc giải quyết đầu ra còn do nông dân thỏa thuận với thương lái nhưng năng suất của mô hình sản xuất này đã tăng 5-10% so với ngoài cánh đồng chất lượng cao.

Cao hơn một mức, ở huyện hiện có Hợp tác xã Nông nghiệp Tấn Đạt (địa bàn Trung Ngãi) sản xuất lúa chất lượng cao 200ha và mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 150ha, đầu ra ổn định.

Sản phẩm sau khi sơ chế, đóng gói đã cho lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất chất lượng cao thông thường và hướng sản xuất cung ứng trà gạo thảo dược.

Ở lĩnh vực cây ăn trái, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, đến nay ngành kết hợp với tỉnh đầu tư vùng sản xuất cây ăn trái quy mô tập trung được chứng nhận VietGAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản gồm: đã thực hiện 93ha xoài cát núm (Trung Chánh, Quới An, Quới Thiện); 99,45ha bưởi da xanh (Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Thành Tây, Quới An, Trung Chánh, thị trấn Vũng Liêm) và sầu riêng 25,3ha (Thanh Bình)...

Trong năm, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long hỗ trợ dự án chuyển đổi giống cây ăn trái phục vụ xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái của tỉnh thực hiện tại Vũng Liêm đã cấp 20.750 cây giống bưởi da xanh (83ha) cho 14 xã.

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, toàn huyện có trên 9.970ha vườn cây ăn trái, chiếm 40,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng gần 123ha so năm 2018.

Chiếm đa số trong đó là các loại cây trái tiềm năng, chủ lực như: bưởi da xanh và bưởi Năm Roi (1.951ha), sầu riêng (1.075ha), xoài (1.036ha) cùng cây cam sành bén rễ trên địa bàn khoảng 10 năm qua.

Anh Lương Thái Bình (ấp Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa) trồng 4 công cam sành từ 5 năm trước. Doanh thu năm đầu tiên trên 141 triệu đồng, anh Bình lời hơn 90 triệu đồng. Vụ chính ở năm thứ hai thu hơn 146 triệu đồng, anh lời hơn 127 triệu đồng.

Trong vòng đời 5 năm của cây cam sành, anh Bình lợi nhuận bình quân mỗi công đất trồng cam sành gần 90 triệu đồng.

Năm 2019, diện tích cam sành trồng trên đất ruộng ở huyện Vũng Liêm tăng 226ha, nâng tổng số toàn huyện hiện có 1.129ha cam sành, trong đó tập trung nhiều ở các xã Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành, Hiếu Nhơn... đem lại nguồn thu nhập rất khá cho người trồng cam.

Dưới gốc sầu riêng hoặc xoài, nhà vườn ở xã Quới Thiện trồng xen cau vàng và tứ quý... một cách để tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.
Dưới gốc sầu riêng hoặc xoài, nhà vườn ở xã Quới Thiện trồng xen cau vàng và tứ quý... một cách để tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Văn Ngọt (ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện) có vườn sầu riêng trồng xen cau vàng và tứ quý dưới gốc. Về vùng trồng xoài, sầu riêng ở đây sẽ thấy người dân lập mới hoặc cải tạo lại vườn cây ăn trái đều áp dụng mô hình này.

Đó là cách làm góp phần thúc đẩy tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho nông dân.

Năm 2020, huyện phấn đấu bình quân giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 171 triệu đồng/ha đồng thời chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi và dịch vụ. Điểm nhấn cơ cấu lại nông nghiệp tiếp tục với cây ăn trái (bưởi da xanh, sầu riêng, xoài) và chăn nuôi (cá lóc, lươn, gà, vịt).

Ông Lê Văn Lập- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- phấn khởi khi năm nay huyện thực hiện nghị quyết năm đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội (15 chỉ tiêu vượt).

Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt lĩnh vực cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó thúc đẩy nhân rộng các mô hình nổi bật có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: MINH THÁI