Vụ lúa Thu Đông nhiều khó khăn

Cập nhật, 06:24, Thứ Ba, 13/08/2019 (GMT+7)

 

Vụ lúa Hè Thu 2019 nhiều bất lợi về năng suất và giá cả.
Vụ lúa Hè Thu 2019 nhiều bất lợi về năng suất và giá cả.

 

Từ những khó khăn trong vụ lúa Hè Thu như năng suất và giá cả, Bộ Nông nghiệp- PTNT đề nghị các địa phương khu vực Nam Bộ tập trung đầu tư cho vụ lúa Thu Đông, coi đây là vụ sản xuất chính. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp điều kiện sản xuất không thuận lợi, vụ lúa Thu Đông đang đối mặt nhiều thách thức.

Theo Tổng cục Thủy lợi, ngay trong tháng 7, tổng dòng chảy trên các trạm ở thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10- 20%.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1- 0,2m. Mùa lũ năm 2019, ít khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ có thể xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2018.

Còn theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dao động từ báo động 1 đến báo động 2 xảy ra vào từ nửa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Với dự báo trên, Bộ Nông nghiệp- PTNT cho rằng nên tập trung phát triển cây lúa trong vụ Thu Đông, tăng diện tích gieo sạ so với vụ Thu Đông cùng kỳ năm trước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh, năm 2018 chúng ta khuyến cáo giảm diện tích là do dự báo lũ cao, còn năm nay thì dự báo lũ đến muộn và nhỏ nên phải tập trung sản xuất.

Tuy nhiên, phải sản xuất những giống lúa thơm, lúa chất lượng vừa ít tốn chi phí sản xuất vừa phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào những tháng cuối năm.

Theo đó, các địa phương cần ưu tiên sử dụng giống lúa thơm (chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giống). Riêng giống lúa chủ lực cho xuất khẩu sẽ chiếm từ 50- 60%, đồng thời hạn chế tối đa gieo sạ giống IR 50404.

Thời gian gần đây, vụ lúa Thu Đông được đánh giá là có hiệu quả kinh tế tương đối cao. Vì vậy, các địa phương nên xem vụ Thu Đông là vụ sản xuất chính.

Diện tích xuống giống lúa Thu Đông không phải là tiêu chí quan trọng mà yếu tố sản xuất an toàn phải đặt lên hàng đầu nên diện tích sản xuất lúa Thu Đông phải đảm bảo ở những nơi có đê bao khép kín nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa trước mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đánh giá, bức tranh sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm còn nhiều gam màu không sáng sủa.

Dịch bệnh xuất hiện trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi, dù được khống chế kịp thời nhưng nguy cơ bùng phát cao. Sự sụt giảm của ngành hàng lúa gạo, chăn nuôi heo đang đặt ra thách thức rất lớn cho ngành nông nghiệp. Do đó, vụ Thu Đông cũng được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào cho sự sụt giảm trên.

Tại Vĩnh Long, tính đến trung tuần tháng 8, đã thu hoạch cơ bản dứt điểm 52.949ha lúa Hè Thu chính vụ (chiếm tỷ lệ trên 99% tổng diện tích Hè Thu), năng suất đạt 5,9 tấn/ha
với sản lượng 310.995 tấn.

Bên cạnh đó trà lúa chính vụ Thu Đông 2019 đã xuống giống trên 45.071ha lúa chủ yếu giai đoạn mạ- đòng trổ đang sinh trưởng phát triển tốt.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, ẩm độ cao như hiện nay kết hợp cùng giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như ML202, Jasmine 85, IR 50404, OM 4218, OM 4900,… có thể nhiễm trung bình.

Do đó, nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá.

Bên cạnh, người dân cần phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều cũng như tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.

Về dịch hại trên cây lúa, lo ngại nhất vẫn là rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá nên các địa phương cần quan tâm phòng, trừ hiệu quả. Bởi dự báo từ tháng 7 đến tháng 9, rầy nâu di trú vào các thời điểm biến động từ ngày 15- 22 mỗi tháng.

Trước mắt, để bảo vệ sản xuất an toàn lúa Thu Đông, từng địa phương phải rà soát kỹ lại hệ thống đê bao, thủy lợi nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời với mưa, lũ. Đồng thời, bố trí thời vụ gieo sạ tại từng nơi, từng tiểu vùng sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và phải lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân.

Bài, ảnh: THÀNH LONG