Nhà nông tìm hiểu

Phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa

Cập nhật, 05:02, Thứ Ba, 20/08/2019 (GMT+7)

Lúa Thu Đông giai đoạn đẻ nhánh của tôi bị nhiễm bệnh đạo ôn, Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị bệnh này cho lúa?

Trần Văn Hậu (Thuận Thới- Trà Ôn)

Anh Hậu mến! Điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay kết hợp cùng giai đoạn lúa thích hợp cho một số loại sâu bệnh phát sinh và gây hại, nhất là bệnh đạo ôn. Trên lá, bệnh này tấn công làm cho lá khô dần và chết, nên bệnh đạo ôn lá còn được gọi là bệnh cháy lá.

Còn trên bông, bệnh đạo ôn thường tấn công ở cổ bông, làm cho cổ bông bị thối và gãy ngang, nên còn gọi là bệnh thối cổ gié.

Để quản lý tốt bệnh đạo ôn, trước tiên anh cần phải thăm đồng thường xuyên, để theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh và phát triển của bệnh, từ đó có biện pháp xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật kịp thời và hữu hiệu ngay khi bệnh mới xuất hiện.

Tuy nhiên, anh cần lưu ý khi phun thuốc phòng trừ bệnh này phải phun đúng kỹ thuật, sao cho tất cả các bộ phận của cây lúa từ lá, thân đến bẹ lá và gốc lúa đều được tiếp xúc với thuốc thì mới đạt hiệu quả cao.

Còn đối với bệnh đạo ôn cổ bông thì anh cần phải phun ngừa ở thời điểm trước và sau trổ. Khi bệnh đã biểu hiện triệu chứng trên cổ bông thì việc phun thuốc không còn hiệu quả.

Anh cũng không nên pha trộn với các loại phân bón lá, để tránh làm cho bệnh bộc phát mạnh hơn, anh nên phun luân phiên các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn với nhau. Tránh sử dụng liên tục nhiều năm một hoạt chất nào đó sẽ làm cho bệnh dễ bị kháng thuốc.

Điều cần lưu ý là anh không nên để ruộng lúa bị nhiễm bệnh nhiều rồi mới xử lý thuốc, mà phải phun xịt ngay khi bệnh vừa chớm xuất hiện.

Ngưng bón phân đạm khi ruộng lúa bị bệnh tấn công và đảm bảo không để cho ruộng lúa bị thiếu nước khi cây lúa bị nhiễm bệnh. Phun thuốc phòng ngừa bệnh đạo ôn khi vết bệnh còn nhỏ.

Nếu bệnh phát triển thành dịch, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, thì phun thuốc đặc trị có tính lưu dẫn để đạt hiệu quả cao và kéo dài, cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “4 đúng”.

Để đối phó có hiệu quả với bệnh đạo ôn, ngoài việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật, trong đó cần gieo sạ với mật độ vừa phải và bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm.

BẠN NHÀ NÔNG