Mở cơ hội cho vùng cây trái tiềm năng

Cập nhật, 06:01, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

Về cây có múi, Vũng Liêm chọn cây chủ lực là bưởi da xanh. Về cây trái tiềm năng, huyện chọn đầu tư vùng trồng xoài (cát núm, cát chu) và sầu riêng. Và mới đây, một lượng xoài xanh ở huyện Vũng Liêm đóng góp vào lô hàng doanh nghiệp thu mua xuất sang Mỹ là tín hiệu đáng mừng.

Việc xác định căn bản giống cây trồng để phát triển, hoạt động xuất khẩu mở ra cùng quá trình sản xuất sạch, theo chuẩn VietGAP kỳ vọng sẽ đưa cây ăn trái đặc sản vùng này đi xa hơn.

Vùng trồng xoài cát núm đạt chuẩn VietGAP ở xã Quới An.
Vùng trồng xoài cát núm đạt chuẩn VietGAP ở xã Quới An.

Vùng cây trái chủ lực và tiềm năng theo VietGAP

Ông Phẩm Văn Tiếu (Út Tiếu, ngụ ấp Lăng, xã Thanh Bình) trong mấy ngày qua đã đại diện bà con đứng ra xúc tiến thủ tục tái công nhận chuẩn VietGAP cho Tổ VietGAP sầu riêng ấp Lăng.

Trước đó trong buổi họp bàn để tái công nhận sau 2 năm được chứng nhận VietGAP, từ 42 hộ ban đầu tham gia sản xuất hơn 25ha sầu riêng, nay thêm 12 hộ đăng ký và diện tích cũng tăng lên. Ông Út Tiếu nói “đây là điều rất phấn khởi, chứ sợ canh tác không hiệu quả thì bà con không tham gia nữa”.

2 năm qua, nông dân “thủ phủ” sầu riêng ấp Lăng vẫn sản xuất ổn định như nào giờ. Tuy nhiên theo ông Phẩm Văn Tiếu- Tổ trưởng Tổ hợp tác VietGAP sầu riêng xã Thanh Bình, đầu ra cho cây trái tiềm năng này còn khó khăn.

“Nông dân chúng tôi phụ thuộc vào thương lái. Nói chung là thị trường không ổn định, nên sản phẩm cây trái giá cả còn bấp bênh”- ông Út Tiếu nói.

Vùng sầu riêng VietGAP ở ấp Lăng. Trong ảnh: Vườn nhà ông Út Tiếu học hỏi, thiết kế hệ thống phun thuốc trừ rầy tự động cho sầu riêng.
Vùng sầu riêng VietGAP ở ấp Lăng. Trong ảnh: Vườn nhà ông Út Tiếu học hỏi, thiết kế hệ thống phun thuốc trừ rầy tự động cho sầu riêng.

“Vào VietGAP hay lên GlobalGAP như đã khuyến cáo, người làm vườn cây trái đặc sản chúng tôi cần đầu ra thị trường ổn định hơn để được lợi nhuận hơn trong sản xuất”- ông Út Tiếu nêu mong muốn này không chỉ riêng mình, mà cho hầu hết bà con ở đây, không chỉ sầu riêng mà còn là trái xoài, trái bưởi,...

Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao sản lượng, chất lượng và tham gia xuất khẩu sẽ rộng đầu ra cho các loại cây ăn trái nơi đây. Bởi theo tính toán của ông Út Tiếu: nếu 1ha sầu riêng cho thu hoạch 20 tấn, bán 40.000 đ/kg, trừ chi phí đầu tư 1ha tầm 100 triệu đồng, thì bà con lời 700 triệu đồng. Với giá bán 65.000-70.000 đ/kg thì lời bạc tỷ là chuyện thường...

Ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình- cho biết trên địa bàn hiện có Hợp tác xã Bưởi da xanh Vũng Liêm có 22 hộ tham gia canh tác 20ha; Tổ VietGAP bưởi da xanh các xã Thanh Bình, Quới Thiện có 14 hộ tham gia, canh tác trên 69ha; Tổ VietGAP bưởi da xanh các ấp Thái An, Bình Thủy, Thanh Lương, Thanh Bình, Tân Bình ở xã Thanh Bình với 100 hộ tham gia, canh tác 32ha.

Ông nói việc khởi động tái công nhận VietGAP cho tổ sản xuất sầu riêng của xã là tín hiệu rất vui, phát triển tổ viên, gia tăng diện tích sản xuất theo quy chuẩn để có hàng hóa nông sản chất lượng.

Tìm hướng mở cho cây trái đặc sản cù lao

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, diện tích vùng trồng xoài của huyện hơn 1.039ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã Quới Thiện (418ha), Quới An (194ha), Tân Quới Trung (139,9ha)...

Tổng diện tích sầu riêng là 1.072ha, cũng vẫn tập trung chủ yếu ở Quới Thiện (632ha), Thanh Bình (391,5ha)...

Vùng trồng bưởi có tổng diện tích 1.936,9ha, trong đó bưởi da xanh trồng chủ lực với 1.453,93ha. Có ở hầu hết các xã, nhưng xã có diện tích bưởi nhiều, trong đó bưởi da xanh chiếm đa số gồm có: Thanh Bình (diện tích bưởi/bưởi da xanh 655,7/415,7ha), Quới Thiện (314/295ha), Trung Hiệp (139,85/85ha), Tân Quới Trung (119,6/50ha), Trung Chánh (112/110ha)...

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực cây ăn trái, nhà vườn sản xuất đạt sản lượng 1.040 tấn bưởi da xanh/năm (Thanh Bình, Quới Thiện), sầu riêng 200 tấn/năm (Thanh Bình), xoài cát Hòa Lộc, cát chu, cát núm đạt 964 tấn/năm (Quới Thiện, Quới An, Trung Chánh) và đều nằm trong vùng sản xuất an toàn, tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Dương Ái Đạo cho biết thêm, huyện đã có kế hoạch dự hội thi Trái ngon an toàn Nam Bộ lần thứ 11 tới đây (tháng 6/2019) tại TP Hồ Chí Minh với các loại trái cây đặc sản ở địa phương: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong, bưởi da xanh.

Người dân xã Thanh Bình chở sầu riêng đến các điểm thu mua để đưa ra thị trường.
Người dân xã Thanh Bình chở sầu riêng đến các điểm thu mua để đưa ra thị trường.

Tiêu chuẩn phải là trái cây từ nhà vườn trong tổ hợp tác và hợp tác xã cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP.

Qua đó tạo tiền đề để sản xuất cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, ngon, an toàn được nhân rộng, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.

Ông Hồ Văn Trọn cho rằng bà con vùng cây ăn trái ở xã hăng hái tham gia VietGAP và huyện có trái cây xuất khẩu là tín hiệu rất mừng.

Nhưng như đã nói, cái khó vẫn là thị trường tiêu thụ nông sản. Như chốt lại mùa sầu riêng cuối vụ, ông Út Tiếu lại nhắc chuyện cây trái đặc sản vùng cù lao này phụ thuộc thị trường vẫn là... muôn thuở.

Thế nên một mặt người dân vận động kiếm tìm thì ngành chức năng, chính quyền cần hỗ trợ để mở rộng thị trường đầu ra, từ đó người dân sẽ phấn khởi hơn trong sản xuất và hội nhập...

Bài, ảnh: MINH THÁI