Chăn nuôi heo với cuộc chiến phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

Đủ chuyên nghiệp mới nuôi heo!

Cập nhật, 05:39, Thứ Ba, 21/05/2019 (GMT+7)

Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang xảy ra tại nhiều nơi và khả năng lây lan nhanh khiến rất nhiều người chăn nuôi lo lắng. Theo nhận định của ngành chức năng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dễ có nguy cơ bị bệnh tấn công nhanh nhất. Do đó, chỉ có biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, “khép kín” mới có thể “đối kháng bệnh”.

Cần vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng đúng cách.
Cần vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng đúng cách.

Chăn nuôi heo nhỏ lẻ: khó kiểm soát dịch bệnh

Theo nhận định của ngành chức năng, tập quán nuôi heo nhỏ lẻ của hộ gia đình là một trong những khó khăn để phát hiện dịch bệnh sớm, cũng như dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), thường chỉ có những trang trại chăn nuôi lớn mới quan tâm đến chất lượng giống và khép kín quy trình sản xuất, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không mấy quan tâm đến vấn đề này.

Điều này khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát bởi dịch bệnh thường bùng phát và lây lan ở phương thức chăn nuôi hộ nhỏ lẻ.

Trước nguy cơ bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan nhanh, ghi nhận thực tế của phóng viên tại một số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, chuồng trại được làm rất sơ sài, lại xây gần nhà ở, chuồng heo xây kế chuồng gà, chuồng vịt hoặc sát đường đi, ai muốn ra thì ra, ai muốn vào thì vào.

Người chăn nuôi còn tận dụng thức ăn thừa cho heo ăn để tiết kiệm chi phí. Điều này dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Bởi, vi rút dịch tả heo Châu Phi lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh.

Khi được hỏi về vấn đề phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, một số người chăn nuôi còn tỏ ra khá lơ là, bàng quan, chưa thật sự quan tâm đến vấn đề phòng chống dịch.

“Dịch xảy ra ở đâu chứ chưa tới đây, trước giờ cũng nuôi vậy mà có bị gì đâu!”- một hộ chăn nuôi cho biết. Trong khi đó, cũng có một số hộ lo lắng về tình hình dịch bệnh lây lan song bày tỏ “do nuôi nhỏ lẻ nên chưa có điều kiện nâng cấp chuồng trại theo hướng khép kín, an toàn”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, do các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ thường không đầu tư đúng mức cho an toàn sinh học. Với sự quan tâm và đầu tư kém, mầm bệnh hoàn toàn có thể xâm nhập vào khu chăn nuôi gây bệnh cho động vật.

“Người chăn nuôi hiện nay không thể nuôi heo nhỏ lẻ theo phương pháp cũ, “nuôi heo bỏ ống”. Với những hộ chăn nuôi “hở”, chuồng trại mà ai cũng có thể ra vào tự do thì rất không an toàn, khó kiểm soát”- ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.

Khi đủ chuyên nghiệp mới nuôi heo

Cần nâng cao sức miễn dịch cho đàn heo, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng.
Cần nâng cao sức miễn dịch cho đàn heo, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng.

Để phòng dịch xâm nhiễm vào chuồng trại, ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo: Việc người chăn nuôi cần phải làm ngay là phải cách ly chuồng trại với các nguồn có nguy cơ mang mầm bệnh, không cho người lạ vào khu vực chuồng trại, ra vào phải thay quần áo, sát trùng, đồng thời tích cực tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi. Đây là vấn đề đơn giản, cần làm nhưng không phải người chăn nuôi nào cũng làm được.

“Hiện nay, nuôi heo không còn là chuyện dành cho hộ nhỏ lẻ mà phải dành cho người nuôi chuyên nghiệp. Muốn nuôi heo, người chăn nuôi phải thay đổi thái độ, nhận thức nuôi, sau đó hãy nghĩ đến chuyện nuôi và tái đàn”- ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.

Theo đó, chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn được xem là giải pháp giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Chăn nuôi quy mô lớn sẽ làm giảm rủi ro và ngăn ngừa các bệnh với điều kiện áp dụng an toàn sinh học tốt và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như quản lý tốt khu chăn nuôi, đảm bảo dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ. Cơ sở hạ tầng của các trại chăn nuôi quy mô lớn cũng có thể giúp các biện pháp an toàn sinh học được thực hành dễ dàng hơn.

Để tránh dịch bệnh xâm nhiễm, trước khi có dịch ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi nên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi bởi đây là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất.

Cụ thể như: Phải bảo vệ vật nuôi trong môi trường an toàn, khu vực nuôi nên xa khu vực chăn nuôi động vật khác và nhà ở, chuồng trại, khu vực chăn nuôi phải khép kín, có rào chắn để tránh động vật khác và con người xâm nhập, xây các hố sát trùng ở mỗi dãy chuồng trại một khi vào trại phải bước chân vào hố sát trùng.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên quan sát, kiểm tra sức khỏe gia súc để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời, nên thu gom và xử lý chất thải hàng ngày.

Đồng thời, bên cạnh công tác an toàn sinh học, các chuyên gia khuyến cáo người chăn nuôi chủ động và tích cực áp dụng các biện pháp dinh dưỡng, nâng cao sức miễn dịch cho đàn heo, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, bổ sung vitamin và khoáng chất, định kỳ tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh,…

Song song đó, ngành chức năng cũng đã triển khai thực hiện “5 không”, đó là không dấu dịch; không mua bán vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh cũng như thịt heo chết; không vứt xác heo bệnh, chết ra môi trường để làm phát tán dịch bệnh rộng hơn; không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.

Có thể thấy, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã và đang gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi, nhưng do chưa có vắc xin phòng bệnh cho nên “cuộc chiến” chống dịch sẽ còn kéo dài.

Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đòi hỏi các cấp, ngành và người dân cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, mặc dù bệnh dịch tả heo Châu Phi có thể gây chết 100% đàn heo nếu mắc phải, không có vắc xin phòng bệnh, nhưng dịch tả heo Châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt heo đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Bài, ảnh: THẢO LY