Phát triển kinh tế nông nghiệp- hướng hiện đại và bền vững

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

Trong năm 2018, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, sản xuất NN thuận lợi hơn. Với định hướng hiện đại- bền vững, ngành NN từng bước phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng NN công nghệ cao, NN hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nền kinh tế nông nghiệp Vĩnh Long đang hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Nền kinh tế nông nghiệp Vĩnh Long đang hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Cơ hội để đổi mới phương thức sản xuất

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, đối với Vĩnh Long, khi tăng trưởng NN vẫn theo chiều rộng, dựa vào tăng diện tích, tăng vụ, sử dụng nhiều lao động, vật tư… thì đây là cơ hội để đổi mới phương thức sản xuất để tăng giá trị sản phẩm, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực do nền sản xuất cũ tạo ra.

Đặc biệt, ứng dụng NN công nghệ cao, NN hữu cơ là hướng đi cần thiết để nền NN Vĩnh Long phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo đó, để làm được các yêu cầu trên, tỉnh cần tập trung nghiên cứu một số định hướng, giải pháp cụ thể. Đó là: cung cấp thông tin, mở rộng hiểu biết để nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của NN công nghệ cao và NN hữu cơ.

Trong đó, chú trọng lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật làm nòng cốt, tạo lập môi trường thuận lợi tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo theo Chương trình khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020.

Tiếp đến, nâng cao năng lực các tổ chức sản xuất ở nông thôn, nhất là các hợp tác xã NN, hướng tới xây dựng các chuỗi giá trị nông sản gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ thông qua hợp đồng kinh tế, tập trung cho 6 sản phẩm chủ lực của Đề án cơ cấu lại ngành NN Vĩnh Long giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Trong đó, tập trung là hỗ trợ hợp tác xã theo kế hoạch thực hiện Quyết định số 445 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN. Bởi doanh nghiệp có các nguồn lực để đầu tư và có đội ngũ phát triển thị trường hoặc có kênh phân phối các sản phẩm NN, có giải pháp cho bài toán tiêu thụ ngay từ khi khởi động sản xuất.

Việc thu hút đầu tư vào NN, nông thôn thông qua các hoạt động xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm nông sản có tiềm năng thương mại cao của tỉnh.

Tạo điều kiện, nhất là hạ tầng và điều kiện về đất đai để doanh nghiệp có thể thiết lập hệ thống sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản tại các vùng nguyên liệu. Đồng thời, kết nối các hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ.

Ứng dụng mô hình NN phù hợp

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, cơ cấu lại ngành NN thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh công nghệ đòi hỏi phải cải thiện hệ thống tưới tiêu, đồng thời thúc đẩy phát triển và ứng dụng các quy trình thực hành NN tốt, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong theo dõi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhằm giúp nông dân sản xuất được nhiều sản phẩm hơn, chất lượng cao hơn và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Sở NN- PTNT cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư. Thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm duy trì môi trường đầu tư tốt ở tỉnh.

Đầu tư mạnh hơn vào các hạ tầng phục vụ doanh nghiệp NN: như đầu tư khu NN công nghệ cao; xây dựng các hạ tầng thu mua, lưu trữ và chế biến nông sản; thực hiện tạo quỹ đất để doanh nghiệp NN có thể đầu tư ngay…

Và để làm được điều đó, ngành NN đề xuất cần thực hiện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Cụ thể, cây lúa- xây dựng các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với khoai lang- sản phẩm đã hình thành được vùng sản xuất tập trung, sản lượng ổn định, mục tiêu tới triển khai và nhân rộng quy trình canh tác giảm chi phí và an toàn thực phẩm…

Cây có múi cần áp dụng các giải pháp công nghệ tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác, định vị vùng trồng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Trong chăn nuôi heo, bò cần áp dụng các nghiên cứu chọn lọc, cải thiện đàn giống phù hợp với khí hậu, thời tiết; mô hình chuỗi an toàn thực phẩm “từ nông trại tới bàn ăn”; áp dụng các kỹ thuật mới trong chăn nuôi để đảm bảo sức khỏe và chất lượng đàn.

Nuôi thủy sản (cá tra, điêu hồng): ứng dụng công nghệ cảm biến nhanh để thích ứng với những thay đổi của thời tiết, môi trường; hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm soát nguồn thức ăn,… để giảm chi phí, giảm hao hụt.

Để hỗ trợ các sản phẩm NN có lợi thế của tỉnh, theo Sở NN-PTNT, cần tận dụng các tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thực hiện đồng bộ với các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào các quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh hỗ trợ thương mại điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm cũng là một yêu cầu quan trọng.

Cùng với đó, Sở NN- PTNT cũng cho rằng cần rà soát lại hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển NN, nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, giúp các đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận hơn.

Đặc biệt là chính sách tích tụ ruộng đất. Cần có chủ trương về chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hiệu quả nhất.

Phấn đấu vào nhóm 15 quốc gia có nền NN phát triển

Tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ NN- PTNT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu dài hạn, ngành NN phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền NN phát triển nhất.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập như tỷ lệ lao động NN còn lớn (khoảng 38%), cơ cấu lại NN được triển khai chưa đồng đều ở các địa phương.

Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Môi trường nông thôn còn là vấn đề lớn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Thất thoát sau thu hoạch còn có tỷ lệ cao.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu: phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng NN phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42- 43 tỷ USD.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC