Mùa khô 2018- 2019

Hạn, mặn sẽ sớm và sâu

Cập nhật, 06:07, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

Mặc dù theo dự báo, mức độ nghiêm trọng của hạn, xâm nhập mặn ít hơn mùa khô 2015- 2016, nhưng mùa khô năm 2018- 2019 là năm có khả năng xảy ra xâm nhập mặn sớm, sâu với những biến động phức tạp và gay gắt.

Kiểm soát mặn, chủ động trữ nước ngọt đảm bảo cho sản xuất, dân sinh. Trong ảnh: Đo mặn tại khu vực vàm Vũng Liêm.
Kiểm soát mặn, chủ động trữ nước ngọt đảm bảo cho sản xuất, dân sinh. Trong ảnh: Đo mặn tại khu vực vàm Vũng Liêm.

Theo ông Trần Bá Hoằng- Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm 2018- 2019 có khả năng thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ so với mùa khô năm 2017- 2018 và so với trung bình nhiều năm.

Do đó mặn tương đối phức tạp, xâm nhập mặn khá sớm, sâu và kéo dài so với năm 2017 và so với trung bình nhiều năm, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015- 2016. Tuy nhiên, khả năng mặn xâm nhập sâu vẫn có nhưng từ cuối tháng 1/2019 trở đi.

Theo đó, vào cuối tháng 12/2018 và tháng 1/2019, các vùng cách cửa sông 20- 30km sẽ có mặn vượt mức 4‰ vào thời kỳ triều cường, còn khi triều thấp, chân triều vẫn có thể xuất hiện nước ngọt nhưng khả năng lấy nước ngọt hạn chế. Trong tháng 2- 3, mặn có thể xâm nhập sâu vào đồng bằng.

Vùng từ 40- 60km trở ra mặn 4‰ xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường vùng này vẫn có khả năng lấy nước ngọt khi triều thấp hoặc xả nước tăng cường thượng lưu.

Vùng từ 60km trở vào, mặn 4‰ xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường, nên nông dân có thể tranh thủ lấy nước trong thời kỳ này. Tháng 4, nếu có xả nước thượng lưu thì mặn sẽ giảm, trở về như tháng 1, 2.

Tháng 5 nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6.

Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh những tháng mùa khô năm 2018- 2019, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo các địa phương ĐBSCL cần phải có kế hoạch triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn để chủ động ngay từ thời điểm hiện nay.

Đối với giải pháp bơm tưới chống hạn, tùy theo vị trí địa lý, khai thác tối đa lợi thế của thủy triều như đối với vùng giáp ranh, tranh thủ thời điểm triều cường, bơm nước cho các vùng phía đầu nguồn nhằm lấy nước phục vụ tưới và chống hạn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở cập nhật thông tin dòng chảy thượng lưu, bố trí thời vụ Đông Xuân, Hè Thu hợp lý, hạn chế sản xuất vụ lúa Hè Thu sớm và loại cây trồng sinh trưởng trong mùa khô.

Lựa chọn các giống chịu hạn, mặn, sử dụng các loại cây trồng tốn ít nước. Khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước mặn hợp lý, ổn định, để có ranh giới mặn- ngọt rõ ràng, có các biện pháp công trình, phương án điều tiết nước hợp lý cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Nguồn nước mùa khô năm 2018- 2019 về đồng bằng tính đến thời điểm hiện nay đã ở mức thấp hơn trung bình và có khả năng ảnh hưởng El Nino.

Dự báo xâm nhập mặn sẽ sớm và sâu, do đó các địa phương cần phải trữ nguồn nước ngọt tối đa ngay từ thời điểm này trở đi và chuẩn bị kế hoạch cho công tác phòng chống hạn, mặn. Đồng thời, cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý.

Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước.

Cụ thể tại Vĩnh Long, hướng xâm nhập mặn vào địa bàn tỉnh được xác định từ sông Cổ Chiên ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Dài (Vũng Liêm).

Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Cổ Chiên như Cái Hóp, Nàng Âm (2 sông này đã xây cống ngăn mặn), sông Vũng Liêm, Trường Định và sông Măng Thít ảnh hưởng các xã thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít.

Theo hướng sông Hậu, ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Mây (Trà Ôn). Trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Hậu như rạch Tân Dinh, Rạch Chiết, Mương Điều, rạch Tra, rạch Bang Chang, sông Trà Ôn, ảnh hưởng các xã thuộc huyện Trà Ôn và một phần huyện Tam Bình.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, diện tích chịu ảnh hưởng biên mặn từ 2- 5‰ của 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn rộng khoảng 22.000- 23.600ha.

Khi độ mặn sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm lên 2- 3‰, các cống ngăn mặn đóng có khả năng trên 13.000ha lúa Hè Thu ở huyện Vũng Liêm thiếu nước, không thể tưới tự chảy do mực nước kinh, rạch xuống thấp.

Tỉnh Vĩnh Long có 5 huyện- thị bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 2- 10‰ với diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng rộng gần 70.000ha. Trong đó, Vũng Liêm 25.000ha, Trà Ôn 25.000ha, Mang Thít 10.000ha, Tam Bình 5.000ha và TX Bình Minh 5.000ha.

Theo đó, tổng số dân có khả năng chịu ảnh hưởng nguồn nước nhiễm mặn là 71.526 hộ, trong đó có 36.574 hộ đã sử dụng nước máy (tỷ lệ 51,2%).

Toàn tỉnh còn 34.215 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Và, 26.000 hộ có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn 4‰ gồm 7 xã ven sông và cù lao trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm và 4 xã ven sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn.

Tất cả số nhà máy nước thu nước mặt ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn đều có thể bị ảnh hưởng nguồn nước bị nhiễm mặn trên 2‰. Một số nhà máy nước ở các xã Chánh An, An Phước, Chánh Hội, Tân An Hội và thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cũng có thể bị ảnh hưởng với độ mặn này.

Bài, ảnh: THÀNH LONG