Nhà nông tìm hiểu

Chăm sóc vườn cây ăn trái bị ngập úng

Cập nhật, 05:35, Thứ Ba, 16/10/2018 (GMT+7)

Đợt triều cường vừa qua gây bể đê bao khiến vườn cây ăn trái của tôi bị ngập, Bạn Nhà nông có thể hướng dẫn tôi cách chăm sóc vườn cây để đảm bảo năng suất?

Nguyễn Phú Tài (An Bình- Long Hồ)

Anh Tài mến! Khi vườn cây ăn trái bị ngập úng, anh cần có những giải pháp xử lý phù hợp như bón phân hợp lý và xử lý ra bông, trái để cây không bị mất sức.

Trường hợp cây bị ngập không thường xuyên, anh cần cắt bớt cành non kể cả có trái và bông để cứu cây, sử dụng phân bón lá chứa nhiều lân và kali để giúp cây tăng khả năng chống chịu, tranh thủ rút nước ra càng nhanh càng tốt, đắp lại đê và xẻ thêm mương, liếp phụ, xới đất tạo thông thoáng cho rễ.

Nếu không thể sử dụng phân bón dạng hạt vào trong đất để rễ hấp thu, anh có thể sử dụng phân bón qua lá.

Sử dụng một số dạng cung cấp lân và kali nhiều để tăng sức chống chịu, hạn chế phun và bón có chứa nhiều đạm. Nếu vườn bị ngập thì anh cố gắng tìm cách đưa nước ra càng sớm càng tốt.

Khi nước rút thì bộ rễ sẽ bị yếm khí, nghẹt thở và thối dần tùy theo đất bãi bồi, xốp. Sau khi nước rút, anh cần theo dõi nếu khô lớp đất sẽ cứng và ngăn cản không khí xuống rễ. Dùng cuốc răng để xới đất dưới tàn giúp không khí thông xuống dễ dàng.

Nấm bệnh ở dưới đất làm thối rễ thì anh không nên sử dụng thuốc hóa học tưới vào trong đất. Đất càng yếm khí thì nấm hại càng phát triển mạnh.

Sử dụng Trichoderma thích hợp để diệt nấm bệnh. Dùng phân hữu cơ trộn với Trichoderma bón xuống sẽ rất tốt, đào rãnh xung quanh và cho phân xuống.

Biện pháp lâu dài là bón phân hữu cơ hoặc dùng rơm phủ lên mặt và tưới Trichoderma lên rơm để hỗ trợ cây trồng. Ngoài ra, anh có thể sử dụng các sản phẩm phân thuốc tưới bổ trợ bộ rễ, để cây phát triển đọt, giúp cây tăng khả năng quang hợp, ít suy kiệt, tái tạo bộ rễ và tăng sức chống chịu.

BẠN NHÀ NÔNG