Ứng dụng hiệu quả CNTT ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật, 05:24, Thứ Ba, 11/09/2018 (GMT+7)

Ông Nguyễn Bảo Trung- Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Dữ liệu (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho rằng: CNTT được ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động được lắp đặt tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm).
Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động được lắp đặt tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm).

Đến nay, CNTT được sử dụng trong mọi công đoạn, quy trình nghiệp vụ dự báo, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong.

Trong tổng số 600 trạm quan trắc khí tượng- thủy văn và hải văn cả nước thì đến nay có 220 trạm đã được tự động hóa, cùng đó là 750 điểm đo mưa tự động, 11 trạm quan trắc radar và 18 trạm giông sét.

Trong giai đoạn 2018- 2019, dự kiến sẽ trang bị thêm 1 phần mềm trung tâm dữ liệu để thu thập và phân phối các dữ liệu quan trắc và dự báo;

1 hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng- thủy văn và hải văn, ứng dụng CNTT vào quá trình tự động hóa phát bản tin dự báo; 1 siêu máy tính để chạy các mô hình dự báo; 5 trạm radar, 18 trạm giông sét đảm bảo số liệu radar được phủ khắp các khu vực trên đất liền và ven biển Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng- Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 tại ĐBSCL thì CNTT nhiều tiềm năng ứng dụng trong chuỗi sản xuất lương thực- thực phẩm, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,…

Ông Trần Ngọc Thạch- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông TP Đà Nẵng- chia sẻ những kết quả quan trọng trong việc ứng dụng CNTT thích ứng BĐKH tại thành phố này.

Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động với dữ liệu được cập nhật liên tục qua hệ thống Internet.
Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động với dữ liệu được cập nhật liên tục qua hệ thống Internet.

Theo đó, Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp phòng tránh thiên tai ứng phó BĐKH như giám sát, cảnh báo sớm nguồn nước uống, nước ao hồ, môi trường không khí với dữ liệu ô nhiễm môi trường nước và không khí dưới dạng dữ liệu bảng, biểu hoặc mô hình hóa trên bản đồ GIS có thể dễ dàng truy cập bằng máy tính, điện thoại.

Bên cạnh, thành phố đã trang bị hệ thống đo mưa, giám sát mực nước tự động, thí điểm giám sát cháy rừng dựa trên phân tích hình ảnh thu thập từ camera, phát hiện được vụ cháy từ khoảng cách 3,5km sau 180 giây kể từ khi xuất hiện khói;

tổng đài thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trung tâm điều hành, giám sát phòng chống thiên tai.

Theo TS Trương Minh Thái- Trường ĐH Cần Thơ, CNTT đã được ứng dụng hiệu quả thông qua xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước của vùng nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, hệ thống giúp nhà quản lý và người nuôi quản lý được nước của nguồn cấp cho vùng nuôi và từng ao nuôi mọi lúc, mọi nơi, kịp thời phát hiện những bất thường do hoạt động sản xuất, chăn nuôi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước nguồn cấp từ đó đưa ra các ứng phó kịp thời.

Thông tin thu thập dễ dàng được tổng hợp, xử lý và chia sẻ đến nhiều người qua ứng dụng web và di động.

Giới thiệu mô hình toán, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý trong quản lý nước ĐBSCL dưới tác động của BĐKH, PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung- Giám đốc Viện Nghiên cứu BĐKH- Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, đây là những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn có sự tham gia của người dân.

Hệ thống WebGIS hỗ trợ thu thập dữ liệu trực tuyến xác định các thời điểm mặn cao để vận hành hệ thống ngăn mặn và khuyến nông khuyến ngư thích hợp.

Việc ứng dụng mô hình này có thể đưa ra phân tích các kịch bản xâm nhập mặn dưới tác động của nước biển dâng và suy giảm dòng chảy thượng nguồn, tích hợp các mô hình nước mặt, nước ngầm và xâm nhập mặn gây lún ĐBSCL.

Bên cạnh, ứng dụng viễn thám đánh giá ngập lụt ĐBSCL bằng việc sử dụng các mô hình toán để mô phỏng tương tác của các yếu tố tác động đến môi trường nước cả lưu vực sông Mekong, mô phỏng các kịch bản lũ ĐBSCL dưới tác động của các đập thủy điện thượng nguồn, nước biển dâng.

Mô hình toán và GIS cũng giúp xây dựng bản đồ rủi ro ngập ĐBSCL.

Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, CNTT đang đóng vai trò tích cực trong các giải pháp quản lý rủi ro, đối phó và thích ứng với BĐKH.

Đây cũng là mấu chốt trong việc làm giảm phát thải khí nhà kính, tối ưu hóa các giải pháp ứng phó của các ngành ở các vùng khác nhau.

Từ những tham luận, ý kiến của các chuyên gia, kết quả hội thảo Giải pháp ứng dụng CNTT thích ứng BĐKH sẽ đưa ra được những đề xuất, kiến nghị thiết thực với trung ương, từ đó mở ra những chủ trương, chính sách phù hợp cho phát triển CNTT truyền thông, nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THÀNH LONG- TẤN ANH