Thương hiệu xoài sạch "An Sơn Bảy Núi"

Cập nhật, 14:52, Thứ Ba, 05/06/2018 (GMT+7)

Cùng với chuyển đổi sản xuất (SX) theo hướng VietGAP, việc xoài cát Hòa Lộc của bà con nông dân (ND) xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) được cấp nhãn hiệu xoài “An Sơn Bảy Núi” giúp bà con ND nâng cao giá trị cây trồng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đưa xoài cát Hòa Lộc lên tầm cao mới.

Sử dụng công nghệ bao trái góp phần tăng giá trị trái xoài cát Hòa Lộc
Sử dụng công nghệ bao trái góp phần tăng giá trị trái xoài cát Hòa Lộc

Những năm gần đây, nhiều hộ ND xã An Hảo đã tích cực chuyển đổi cây trồng, phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trên vùng đất đồi và triền núi, trong đó chú trọng phát triển cây xoài cát Hòa Lộc.

Mặc dù điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của anh Nguyễn Hữu Thắng (ấp Tà Lọt, xã An Hảo), xoài cát Hòa Lộc thích ứng tốt với vùng đất ở đây nên năng suất cao, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo anh Thắng, xoài cát Hòa Lộc có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế gia đình vì giá của loại xoài này luôn ở mức cao và ổn định, từ 35.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 65.000-80.000 đồng/kg.

Với thu nhập ổn định từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ gia đình trong xã đổi đời nhờ xoài.

Ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, ND trồng xoài cát Hòa Lộc xã An Hảo còn liên kết, thành lập tổ hợp tác (THT) để ND có điều kiện trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật SX.

THT làm vườn xã An Hảo thành lập năm 2016, với 15 thành viên, sau 2 năm hoạt động, hiện nay số thành viên đã tăng lên 22 người, diện tích canh tác trên 50ha. Tháng 4-2018, 22 thành viên trong THT đón nhận tin vui khi được cấp chứng nhận SX đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tổ trưởng THT làm vườn xã An Hảo Trần Văn Xe cho biết: “Tham gia canh tác xoài theo hướng VietGAP, các thành viên ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, do chưa quen với các quy trình, phương pháp SX...

Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, các thành viên trong tổ dần dần nắm bắt được kỹ thuật trong SX nên việc canh tác thuận lợi hơn, trình độ SX được nâng cao, nhận thức của bà con ND về môi trường SX cải thiện đáng kể.

Việc vứt bỏ các phế phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra môi trường không còn, các tổ viên đã thu gom và tiêu hủy đúng cách”.

Theo anh Lê Văn Chiến (thành viên THT), việc áp dụng phương pháp SX theo hướng VietGAP, chính ND là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong quá trình chăm sóc, ND sẽ thực hiện dựa trên các quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học và dùng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết...

Nhờ vậy, xoài cát Hòa Lộc của ND xã An Hảo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương pháp bao trái góp phần tạo cho xoài có hình dáng, mẫu mã đẹp, đồng đều, chất lượng đảm bảo nên thị trường rất ưa chuộng...

“Cái lợi trong SX trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP là ứng dụng quy trình SX sạch, ít sử dụng thuốc BVTV, sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, người dân ngày càng ưa chuộng các loại thực phẩm sạch nên canh tác xoài theo hướng VietGAP là hướng đi bền vững cho người ND.

Vì khi SX sạch, các sản phẩm do ND SX có cơ hội vào các siêu thị hay xuất khẩu sang các thị trường lớn. Nếu tiếp tục SX theo cách truyền thống thì nông sản ngày càng bị thị trường đào thải” - anh Chiến chia sẻ.

Cùng với việc được công nhận VietGAP, xoài cát Hòa Lộc của THT còn được cấp chứng nhận nhãn hiệu xoài “An Sơn Bảy Núi”.

Đây là bước khởi đầu cho quá trình thương mại hóa sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho đặc sản trên thị trường của người trồng xoài ở xã An Hảo.

Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là đầu ra của sản phẩm không cao và còn thiếu tính ổn định. Do đó, để nhân rộng và phát triển mô hình, bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật, người dân rất cần địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho ND, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  

Theo TTMT