Mô hình cánh đồng lớn tăng 2,83 lần so năm 2014

Cập nhật, 21:26, Thứ Tư, 13/06/2018 (GMT+7)

Năm 2017, huyện Tam Bình giảm gần 1.800ha lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu, cây ăn trái, trồng cỏ và nuôi thủy sản. 

Nhân rộng diện tích cánh đồng lớn trên 21.200ha, tăng 13.750ha (tương đương 2,83 lần) so năm 2014; xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên 144ha, lợi nhuận lúa trong mô hình cánh đồng lớn và lúa hữu cơ cao hơn ngoài mô hình từ 2,2- 3,5 triệu đồng/ha/vụ. Nâng diện tích trồng màu trên 5.380ha, tăng 230ha so năm 2014.

Huyện Tam Bình hỗ trợ nông dân sản xuất trên 7,5ha rau màu đạt chứng chỉ VietGAP; hỗ trợ giống giúp nông dân trồng trên 102 ha cam sành, bưởi, dừa, xoài, thanh long. Trong đó có 2 mô hình trồng cam sành (5ha) và trồng xoài tứ quý (5,7ha) đạt chứng nhận VietGAP.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2014- 2017, huyện Tam Bình chọn cây lúa, cây cam sành và con bò làm cây con chủ lực phát triển nhân rộng. Huyện xây dựng 2 mô hình hợp tác xã có bao tiêu sản phẩm và chỉ đạo mỗi xã- thị trấn xây dựng 1 hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Từ nay đến năm 2020, huyện Tam Bình tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, giảm diện tích đất trồng lúa còn 43.600 ha/năm; nâng giá trị sản xuất đạt trên 137 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt chú trọng phát triển cây, con chủ lực, tiềm năng theo hướng chuỗi giá trị sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện Tam Bình chọn xã Mỹ Lộc sản xuất lúa chất lượng cao; chọn xã Bình Ninh phát triển kinh tế vườn; xã Loan Mỹ tập trung chăn nuôi bò; xã Mỹ Thạnh Trung phát triển vườn cây ăn trái gắn du lịch sinh thái.

LÊ SÁU