Xây dựng vùng nguyên liệu giống lúa

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 13/03/2018 (GMT+7)

Với những nỗ lực phối hợp với các nhà khoa học tại các viện, trường nhằm nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn những giống lúa mới có đặc tính vượt trội, thông qua dự án nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu giống giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Xây dựng vùng nguyên liệu giống lúa đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường là nhu cầu cấp thiết. Trong ảnh: Khảo nghiệm giống tại Trại Lúa giống tỉnh.
Xây dựng vùng nguyên liệu giống lúa đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường là nhu cầu cấp thiết. Trong ảnh: Khảo nghiệm giống tại Trại Lúa giống tỉnh.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, dự án “củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020” đã gặt hái kết quả khả quan. Trong năm 2017, dự án triển khai với quy mô 65ha tại 5 huyện gồm: Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và Long Hồ.

Trong năm 2018, dự án trên tiếp tục được triển khai trên quy mô 70ha trong toàn tỉnh, mục tiêu cung ứng 344 tấn giống lúa thuần đạt cấp giống nguyên chủng cho các cơ sở nhân giống lúa.

Ông Nguyễn Văn Buôl- Tổ sản xuất giống lúa tại ấp Phú Hữu Yên (xã Song Phú- Tam Bình) cho biết: vụ Đông Xuân 2017- 2018, tổ xuống giống diện tích 2ha, 3 hộ tham gia sản xuất giống lúa OM 5451, lúa giống thu hoạch đạt 7,3 tấn/ha, thu hoạch xong thì người dân địa phương đặt hàng mua hết.

Nhu cầu lớn nhưng diện tích sản xuất giống của tổ thì còn ít, hy vọng trong những vụ tới khi diện tích mở rộng thêm thì phần nào đáp ứng được nhu cầu lúa giống đạt chất lượng tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh nhằm tạo ra hạt giống lúa thuần đạt cấp nguyên chủng chiếm 85% trển tổng sản lượng lúa giống sản xuất trong năm.

Bên cạnh đó, dự án giúp nông dân sử dụng giống xác nhận tại chỗ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.

Đầu năm 2018, Trại Lúa giống (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh) chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích 5,2ha, quy mô sản xuất 3ha tại xã Long An (Long Hồ).

Trại được trang bị đầy đủ các trang thiết bị như nhà kho có sức chứa hơn 1.000 tấn lúa, lò sấy công suất 10 tấn, máy tách hạt,… Trại lúa giống là đơn vị đứng đầu trong hệ thống nhân giống lúa và cung ứng giống lúa chất lượng cao của tỉnh.

Theo bà Trương Thị Thu Hương- Trưởng Trại Lúa giống, thời gian qua, Trại Lúa giống giữ mối liên hệ thường xuyên với Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ cũng như các trung tâm giống ngoài tỉnh tìm giống lúa mới triển vọng để khảo nghiệm, trình diễn với mục tiêu giới thiệu, đánh giá, tuyển chọn những giống lúa có đặc tính vượt trội, có năng suất cao, kháng sâu bệnh và phẩm chất tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.

Ông Phan Nhựt Ái- Chủ tịch Hội Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long- cho rằng cần thiết xây dựng vùng nguyên liệu giống lúa đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường, bởi hiện nay thời gian để giống lúa mới được khảo nghiệm, chọn tạo đến đưa ra sản xuất đại trà còn rất chậm.

Ví như giống lúa LH8 (Long Hồ 8) là giống lúa địa phương đã được biết đến cách đây 3- 4 năm nhưng đến hiện tại vẫn chưa được công nhận giống để có thể sản xuất đại trà.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- cho rằng thời gian qua, có rất nhiều giống lúa giới thiệu trình diễn, nhưng giống lúa được người dân chọn để sản xuất đại trà thì không nhiều.

5 giống chủ lực được đưa ra đã nhiều năm nhưng đến giờ này vẫn chưa thay đổi gồm các giống OM 5451, 6976, 4900, 7347, 4218.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng có những giống lúa tồn tại thời gian dài IR 50404 (có từ năm 1992- 1993, đến này đã hơn 25 năm) nhưng vẫn còn thị trường tiêu thụ, thương lái vẫn còn ưa chuộng giống lúa này.

Hiện nay, giống lúa mới đáp ứng nhu cầu sản xuất đại trà có 3 nhóm: lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa chất lượng thấp.

Mỗi giống có đặc tính riêng và năng suất thì tỷ lệ nghịch với chất lượng. Nếu nông dân sản xuất chạy theo năng suất thì không thể có được sản phẩm chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, có một số giống lúa nhiều triển vọng nhưng đưa ra thị trường một vài năm thì không ổn định vì có thể trúng vụ Đông Xuân nhưng thất ở Hè Thu, hoặc khi chế biến gạo thì thương lái không chuộng người dân gọi là giống “kháng lái”, ví dụ như trước đây có giống VL1, VL2 không tồn tại được lâu.

Cho nên một số giống lúa khảo nghiệm được đánh giá cao nhưng chưa chắc sắp tới được duy trì trong thời gian dài.

Do đó mục tiêu đặt ra chọn giống lúa thích nghi năng suất cao có khả năng phát triển tồn tại qua thời gian dài là một nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành giống.

Sắp tới ông Nguyễn Văn Liêm đề nghị Trung tâm Giống nông nghiệp tiếp tục phối hợp với viện, trường, các cơ sở sản xuất giống để khảo nghiệm, chọn tạo tìm ra nguồn giống tốt có khả năng thay thế những giống lúa đã bị thoái hóa, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu giống, làm cơ sở cho việc chọn lọc bộ giống phù hợp cho tỉnh, giúp người nông dân có thể sử dụng giống lúa có phẩm chất tốt và chất lượng cao.

 Bài, ảnh: LÊ SƠN