Câu chuyện nông thôn

Chuyện cây giống

Cập nhật, 13:19, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

Trong sản xuất nông nghiệp, việc học tập và phát triển những mô hình, giống cây mới là điều đáng khuyến khích, hỗ trợ. Bởi việc đi đầu này luôn tiềm ẩn 2 mặt tốt và không tốt.

Mức độ thành công, cũng như sự rủi ro là không hề nhỏ. Khi nông dân chuyển đổi một loại cây trồng mới, nhất là những cây dài ngày, dài tháng, thì khá là tốn kém, khó khăn. Chẳng hạn như: cây mít, cây cam, cây nhãn…

Từ một vài giống cây mới, có dấu hiệu sốt giá cây giống gần đây, Hai Lúa tui cảm thấy có gì đó chưa ổn. Ở đây là cả đầu vào của cây giống cũng như đầu ra của nông sản, đều có những nguy cơ rủi ro cao, trong khi thiệt hại nếu có đều thuộc về nông dân mình.

Mà bà con nông dân mình cũng có cái tâm lý hễ nghe, hễ thấy cây gì đang sốt giá thì cứ đầu tư theo trong khi chưa xác định rõ ràng đầu ra có ổn định không.

Khi giá một loại trái cây mới đang sốt, bà con ồ ạt chuyển đổi theo thì đương nhiên giá cây giống sẽ tăng vọt lên thôi. Số ít những người đi đầu coi như thành công, cộng thêm bán cây giống nữa thì hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, rất đông những người trồng sau có thể sẽ lãnh đủ nếu một mai thị trường bị “bội thực”.

Chung quy câu chuyện là Hai Lúa tui thấy bà con mình nên thật bình tĩnh, thận trọng khi chuyển đổi một số loại cây trồng quá mới lạ, trong khi mình chưa nắm chắc đầu ra ổn định, lâu dài.

Quan trọng hơn, Hai Lúa tui thấy đối với cây giống nhất là cây lâu năm, cần có sự quản lý, kiểm soát từ ngành chức năng để vừa đảm bảo chất lượng vừa giúp bà con an tâm, không bị lợi dụng cơ hội rồi làm giá.

Hailua@.com