TP Vĩnh Long: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 06/12/2017 (GMT+7)

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các mô hình sử dụng công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tiêu dùng…

Anh Nguyễn Hoàng Khải say sưa giới thiệu mô hình sản xuất cà chua an toàn sử dụng công nghệ cao.
Anh Nguyễn Hoàng Khải say sưa giới thiệu mô hình sản xuất cà chua an toàn sử dụng công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp đô thị

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, TP Vĩnh Long đã triển khai được 13 mô hình nuôi trồng, với tổng số gần 20ha và kinh phí đầu tư trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Theo bà Lâm Thị Thảo Trang- Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp được triển khai đã đạt hiệu quả, như mô hình: sản xuất rau an toàn, rau thủy canh, nuôi ếch trong vèo kết hợp cá trê vàng, mô hình hoa lan cắt cành,… góp phần làm đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.

Trong đó, có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt là nhiều nông dân đã tự mày mò, nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

“Theo đánh giá, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm công lao động và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các mô hình cho hiệu quả cao cũng đã được triển khai và nhân rộng”- bà Thảo Trang cho biết.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Bích- cộng tác viên khuyến nông Phường 3 cho biết, Phường 3 đã triển khai các mô hình và tuy các mô hình nông nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới nhưng hiệu quả đạt được làm cho người dân rất phấn khởi.

“Hiện nay, nhu cầu đầu tư các mô hình nông nghiệp đô thị của người dân rất cao. Đặc biệt, các mô hình cho thấy dù diện tích nhỏ nhưng nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật thì vẫn cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu hướng phát triển và sản xuất nông nghiệp ở đô thị…”- chị Bích chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà Lâm Thị Thảo Trang, vẫn còn khá nhiều hạn chế. Trong đó, kinh phí cho lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, nông dân không có nhiều vốn để đầu tư phát triển. Đặc biệt là chưa thu hút được sự đầu tư từ các doanh nghiệp nhằm sơ chế, chế biến nông sản.

“Vai trò của nông nghiệp đô thị, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với đặc điểm của thành phố.

Người dân có điều kiện để tăng thu nhập. Song vẫn rất cần chính sách hỗ trợ, triển khai thêm nhiều các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để hướng đến một ngành nông nghiệp đô thị chất lượng…”- bà Lâm Thị Thảo Trang chia sẻ.

Nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao

Các mô hình trồng lan cắt cành được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây. Theo đánh giá của bà Lâm Thị Thảo Trang, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định- “có lúc không có hàng để xuất”.

Ông Nguyễn Tấn Nhã ở Khóm 2 (Phường 3) là một trong những hộ dân được hỗ trợ mô hình với 1.200 cây lan giống.

Theo ông, mô hình cho thu nhập không quá cao nhưng phù hợp với diện tích đất đô thị, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Hiện nay, mô hình trồng lan cắt cành của ông đã có hàng ngàn chậu đang cho hoa, trong đó có rất nhiều giống được nhập từ nước ngoài có chất lượng tốt.

“Hiện nay, người trồng không cần phải cắt lan mang ra chợ nữa mà thương lái tự tìm đến. Điều đó cho thấy thị trường hoa lan ổn định và mô hình này có thể nhân rộng để tăng thu nhập cho người dân đô thị…”- ông Nhã cho hay.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Hoàng Khải ở xã Tân Hòa để tìm hiểu mô hình trồng rau an toàn AutoPot.

Anh say sưa kể về quá trình nghiên cứu, học tập các mô hình trồng rau an toàn, thủy canh hồi lưu cách đây hơn 3 năm.

Sau đó, cơ hội đã đến khi anh được hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện dự án rau an toàn với diện tích ban đầu hơn 400m2.

Anh Khải cho biết, anh rất thích làm nông nghiệp và luôn trăn trở làm thế nào để có “cọng rau sạch” đưa ra thị trường, nên tìm hiểu mô hình có thể thực hiện và nhân rộng.

“Hiện nay, mô hình trồng rau an toàn AutoPot vừa được triển khai mùa đầu với cây cà chua và đã cho kết quả khả quan.

Các công nghệ, hệ thống phục vụ sản xuất đều nhập từ Israel, Malaysia. Sản phẩm được tiêu thụ tốt và có giá gấp đôi so với rau trồng theo cách cũ”- anh Khải chia sẻ.

Anh Khải còn cho biết, đang “gom” một số hộ nữa để triển khai đồng loạt các mô hình nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ cao.

“Vì điều kiện đất đô thị ít nên cần sự liên kết, từ đó cho ra những sản phẩm đồng nhất, giá trị kinh tế cao và nhất là có thể trình diễn, nhân rộng mô hình hơn nữa.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao rất phù hợp với đô thị nên rất cần sự quan tâm đầu tư và sự đồng lòng của nông dân”- anh Khải cho biết.

Không chỉ là một nông dân tìm tòi kỹ thuật sản xuất rau sạch, anh Khải còn cho biết đang trong quá trình nghiên cứu các loại dung dịch tưới, phun từ chất hữu cơ để đảm bảo sản xuất rau an toàn tuyệt đối. “Hiện cũng đã có những sản phẩm thử nghiệm và bước đầu cho hiệu quả cao.

Nếu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở đô thị thành công, sẽ góp phần đảm bảo nguồn nông sản an toàn và tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân…”- anh Khải cho biết.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

TIN LIÊN QUAN