Long Mỹ: Sẽ có củ cải trắng chuẩn VietGAP

Cập nhật, 06:07, Thứ Ba, 05/12/2017 (GMT+7)

Sau hơn 3 tháng triển khai, dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây củ cải trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại ấp Long Hòa 2 (xã Long Mỹ- Mang Thít) đã mang lại hiệu quả khả quan.

Sản xuất củ cải trắng theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Long Hòa 2 (Long Mỹ- Mang Thít).
Sản xuất củ cải trắng theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Long Hòa 2 (Long Mỹ- Mang Thít).

Đây là mô hình hứa hẹn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng, ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Dự án xây dựng vùng sản xuất cây củ cải trắng theo tiêu chuẩn VietGAP do Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT) triển khai trên 10ha tại ấp Long Hòa 2 với 24 hộ tham gia.

Tham gia mô hình, người dân được tập huấn các nội dung thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của tổ chức tư vấn và chứng nhận Viet GAP cho mô hình sản xuất như tủ thuốc y tế, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà kho, 10 điểm pha thuốc, thùng nhựa đựng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng,…

Nhà nước đầu tư 100% giống, 30% chi phí vật tư thiết yếu (phân hữu cơ), 100% chi phí tư vấn và chứng nhận VietGAP, 100% chi phí hội thảo, tập huấn và trang thiết bị, tài liệu…

Nông dân đóng góp 70% chi phí vật tư thiết yếu, gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trang thiết bị sản xuất, công lao động, đất đai,…

Tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp nông nghiệp năm 2017 hỗ trợ trên 248 triệu đồng, số còn lại người dân đóng góp. Thời gian thực hiện từ tháng 8- 11/2017.

Ông Ngô Hoàng Vũ- nông dân tham gia dự án với 5.000m2 đất. Theo tính toán của ông, đến nay chi phí bỏ ra là 25 triệu đồng, sản lượng củ cải thu được là 10,8 tấn, giá bán 5.800 đ/kg, ông thu về 59 triệu đồng, lời 34 triệu đồng.

Ông Vũ cho biết thêm, nhờ dự án hỗ trợ dụng cụ bảo hộ lao động nên đã hạn chế việc thuốc tiếp xúc vào cơ thể khi phun thuốc, bảo vệ sức khỏe.

Dự án cũng trang bị bể pha thuốc và nơi xử lý lượng thuốc còn dư, giúp hạn chế lượng thuốc lan ra bên ngoài, bảo vệ môi trường. Kho chứa phân, thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo quản được an toàn hơn.

Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng người dân tham gia mô hình vẫn còn một số khó khăn như chưa quen với việc ghi chép sổ tay nên vẫn còn sai sót ở khâu này.

Ông cũng mong muốn ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm để giá bán được ổn định hơn. Về kỹ thuật canh tác, ông kiến nghị có biện pháp quản lý bọ trĩ tốt hơn để người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Vì khi xuống giống, có những thời điểm bọ trĩ xuất hiện với mật số rất cao và liên tục nên ông phải phun thuốc 2- 3 ngày/lần và kể cả tăng liều lượng thuốc để phòng trị loại sâu hại này.

Nông dân Phạm Văn Bì cũng tham gia mô hình với 4 công đất trồng củ cải trắng. Vừa qua ông thu hoạch được 7,78 tấn, với giá bán 5.650 đ/kg, ông thu được gần 44 triệu đồng, trừ đi chi phí còn lời gần 16 triệu đồng.

Ông Bì cho biết, vùng dự án còn nhỏ lẻ và nằm đan xen trong khu vực trồng lúa nên đê bao chưa được chắc chắn.

Trong khi đó, đường giao thông nhỏ nên rất khó vận chuyển vật tư nông nghiệp, sản phẩm làm ra còn khó bán hoặc bán giá thấp, không chênh lệch bao nhiêu so với sản phẩm cùng loại sản xuất kiểu thông thường.

Cũng tham gia mô hình này, ông Ngô Văn A phấn khởi cho biết giá củ cải trắng hiện đang ở mức khá cao là 9.000 đ/kg. Với giá này, mỗi công cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng, lời rất khá.

Theo ông Trần Hoàng Nhàn- cán bộ nông nghiệp xã Long Mỹ, bên cạnh điểm triển khai dự án tại ấp Long Hòa 2, trong xã cũng có một số ruộng được người dân luân canh trồng củ cải trắng, như ở ấp Long Phước và ấp Long Hòa 1. Hàng năm, cả xã có khoảng 5 vụ củ cải trắng với gần 30 ha/vụ.

Ngoài củ cải, người dân còn luân canh khoai mỡ và một số loại rau màu khác, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ.

Tại hội thảo đầu bờ sơ kết mô hình mới đây, bà Cao Thị Đẹp- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện thông tin:

Sắp tới đây, mô hình sẽ được Trung tâm Chất lượng nông- lâm- thủy sản Vùng 6 tổ chức đánh giá các điều kiện tiến tới chứng nhận VietGAP.

Khi được chứng nhận tiêu chuẩn này thì người dân tham gia mô hình sẽ có được nhiều lợi thế giúp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra dễ dàng hơn.

Ngành nông nghiệp huyện cũng đang kêu gọi một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm cho vùng nguyên liệu này.

Mặc dù kết quả bước đầu rất khả quan nhưng bà Cao Thị Đẹp cũng lưu ý đây là mô hình mới nên vẫn còn khó khăn.

Việc cần làm hiện nay là người dân nên tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật canh tác cũng như việc ghi chép sổ tay, xây dựng nhà kho như đã cam kết từ đầu.

Vì đây là cơ sở quan trọng để ngành chuyên môn đánh giá và chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho vùng sản xuất này.

Bài, ảnh: LÊ LIÊM