Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL

Chú trọng mỗi tiểu vùng, một sản phẩm

Cập nhật, 04:27, Thứ Ba, 04/10/2016 (GMT+7)

Thách thức từ biến đổi khí hậu đòi hỏi ĐBSCL phải đẩy nhanh việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ít phát thải nhà kính, tạo ra sản phẩm quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi tất yếu ĐBSCL hiện nay.
Tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi tất yếu ĐBSCL hiện nay.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2013- 2016) tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại Đồng Tháp mới đây, GS. Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước mạnh dạn cảnh báo sự tụt hậu của ĐBSCL trong tương lai, nếu ngay từ bây giờ không thay đổi cách ứng xử việc sử dụng nguồn nước thượng nguồn cũng như khai thác tài nguyên.

Theo GS. Nguyễn Ngọc Trân, biến đổi khí hậu tác động mạnh và là một trong những nguyên nhân khiến nền nông nghiệp tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm.

Để đối phó với tình trạng trên, cần đẩy nhanh xây dựng nền nông nghiệp vùng một cách thông minh, ít phát thải nhà kính, tạo ra sản phẩm quy mô lớn theo chuỗi giá trị và đặc biệt là tạo ra sự động lực để cộng đồng người dân đồng thuận, quyết tâm tham gia, tạo ra sản phẩm có giá trị.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, từ năm 2013 đến nay, đã có 13/13 tỉnh- thành xây dựng, phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Phục vụ đề án trên, nhiều địa phương đã phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản gắn với bao tiêu trên cánh đồng lớn.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt, các đơn vị trong vùng đã nghiên cứu, chọn tạo được 25 dòng lúa triển vọng chịu được khô hạn và nhiều giống phục vụ xuất khẩu, cho năng suất cao có thể đến 9 tấn/ha.

Riêng Viện Lúa ĐBSCL đã tạo ra những giống lúa “siêu độc” (có thể chịu được ngập mặn khô hạn, nắng nóng và cả ngập úng), sắp đưa vào sản xuất đại trà.

Đối với những diện tích lúa kém hiệu quả, các địa phương đã chuyển trên 78.300ha lúa sang trồng 23.900ha rau, 15.900ha dưa hấu, 14.700ha bắp, 13.110ha mè...

Những diện tích chuyển đổi đã giúp nông dân tăng từ 20- 30%, đặc biệt có mô hình trồng bắp tại Đồng Tháp, An Giang lợi nhuận gấp 1,5- 1,8 lần trồng lúa.

Bằng các cách làm, nhiều mô hình giúp đưa sản phẩm xoài, chanh đi vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Nga; nhãn đi vào thị trường Mỹ; ớt vào thị trường Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đi tất yếu và có nhiều đổi mới tích cực.

Song, thực tế vùng trọng điểm nông nghiệp đang đứng trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh.

Hơn nữa, thị trường tiêu thụ nông sản đang bộc lộ nhiều khó khăn. Bên cạnh những địa phương triển khai quyết liệt vẫn còn nhiều nơi làm chậm.

Nhằm gỡ những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đưa ra các sản phẩm chủ lực riêng của các tiểu vùng để địa phương trong từng tiểu vùng có kế hoạch phát triển.

Cụ thể, là tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần phát triển lúa, xoài và thanh long; tiểu vùng Duyên Hải ven biển phát triển dừa, bưởi da xanh và thủy sản; tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu phát triển lúa gạo, cá ba sa, cá tra; tứ giác Long Xuyên phát triển lúa, tôm và cá ba sa; bán đảo Cà Mau phát triển lúa gạo, tôm thâm canh sinh thái.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, việc triển khai Đề án: “Hoàn thiện nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016- 2020” cũng là cơ sở, động lực để các địa phương thực hiện tốt hơn tái cơ cấu nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương phải hợp tác, ngăn chặn nguy cơ phá vỡ quy hoạch, tránh ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu sản xuất và thông tin thị trường chung cho các loại sản phẩm để tránh tình trạng sản lượng cung vượt cầu. Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu cuối cùng của đề án tái cơ cấu nông nghiệp không gì khác là nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Vì vậy, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các sản phẩm chủ lực.

Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ hỗ trợ, phối hợp với bộ, ngành liên quan ưu tiên bố trí ngân sách cho tái cơ cấu nông nghiệp; nghiên cứu thực hiện xúc tiến thương mại, thông tin thị trường. Riêng việc hợp tác phát triển bền vững từng tiểu vùng, tới đây cần có cơ chế điều phối và có cơ chế điều phối liên tiểu vùng.

Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ĐBSCL đã lựa chọn, dần hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm dựa vào thế mạnh sẵn có như: vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng), vùng chăn nuôi gà thịt, gà trứng công nghiệp (Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang...), vùng chăn nuôi gà thả vườn rải rác ở khắp các tỉnh- nhiều nhất ở Tiền Giang, Bến Tre, Long An...

Bài, ảnh: HOÀNG MINH