Mua tạm trữ lúa gạo- cần linh hoạt hơn

Cập nhật, 10:02, Thứ Ba, 30/04/2013 (GMT+7)


Mua tạm trữ lúa gạo cần phải triển khai đúng tiến độ để đảm bảo nông dân có lời.

Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2012- 2013 tại ĐBSCL đã kết thúc. Bán được và có lời, thế nhưng, nếu đi sâu phân tích thì lợi nhuận 30% của nông dân vẫn chưa đạt được.

Triển khai chậm, nông dân chịu thiệt

Đó là minh chứng cho sự kém hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ. Theo thông báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quyết định mua tạm trữ diễn ra từ ngày 21/2- 28/3 nhưng tính đến ngày 20/3, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ 979.000 tấn gạo (tương đương 1,958 triệu tấn lúa), cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mua gạo tạm trữ do Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, trong 1 tháng doanh nghiệp thu mua tạm trữ đó, nông dân không được hưởng lợi nhiều. Bởi thời điểm 20/2, khi các doanh nghiệp bắt đầu thu mua thì diện tích lúa Đông Xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 300.000/1.530.000ha diện tích xuống giống.

Tại hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tỏ ra không đồng tình với thời điểm mua tạm trữ của VFA. Theo ông Hoan, thời điểm 20/2, toàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch 60% diện tích.

“Nếu tính việc triển khai mua tạm trữ chậm thì 1kg lúa nông dân mất 500đ. Nếu 60% trong tổng số 210.000ha địa phương xuống giống thì mức thiệt hại là rất lớn”- ông Hoan nói.

Còn theo một đại biểu tỉnh Kiên Giang, thời điểm 20/2, ở địa phương nông dân gần như hết lúa để bán. Bởi trước tết, họ neo lúa ngoài đồng chờ quyết định mua tạm trữ của Chính phủ, dự đoán giá lúa sẽ tăng. Tuy nhiên, quyết định này lại kéo dài đến sau tết nên nhiều nơi nông dân buộc phải vừa thu hoạch lúa vừa ăn tết vì không thể đợi, bởi ngoài đồng lúa đã chín rục!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng: Hầu hết các doanh nghiệp đều chờ công bố quyết định mua tạm trữ mới triển khai thu mua, nên nhiều nông dân thu hoạch xong muốn bán lúa thời điểm đó cũng không phải dễ”.

Trong khi đó, theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa bình quân của vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân hiện nay là 3.616 đ/kg. Để bảo đảm cho nông dân có lãi 30%, giá lúa bình quân phải đạt 4.701 đ/kg. Trong khi đó, thực tế tại các địa phương lúa chất lượng cao cũng chỉ dao động khoảng 5.150- 5.300 đ/kg, còn giá lúa thường chỉ từ 4.500- 4.700 đ/kg.

Linh hoạt hơn việc mua tạm trữ

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, cơ chế thẩm định để phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp mua tạm trữ không rõ ràng, thiếu công khai, không gắn kết với chính quyền địa phương nên xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp có năng lực trên địa bàn tỉnh đã không được phân bổ chỉ tiêu mua lúa tạm trữ theo đúng năng lực thật sự của họ.
 
Mặt khác việc xác định giá sàn cũng không phù hợp với thực tế sản xuất ở địa phương nên việc mua tạm trữ không mang nhiều hiệu quả.

Ông Huỳnh Văn Thòn- Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang- mạnh dạn hơn khi cho rằng về lâu dài cần xóa bỏ cách mua tạm trữ như hiện nay mà nên tập trung đầu tư công đoạn sấy lúa để doanh nghiệp tự tạm trữ hoặc nông dân có thể gửi lúa cho doanh nghiệp.

“Tạm trữ là việc làm tất yếu của doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp không đầu tư vùng nguyên liệu, không đầu tư hệ thống sấy lúa thì dù có hợp đồng xuất khẩu cũng khó đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng của hạt gạo”- ông nói.

Ông Huỳnh Thế Năng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi phương thức tạm trữ theo hướng linh hoạt: “Nên chăng cũng cần nghiên cứu cách tạm trữ theo dạng gửi lúa cho doanh nghiệp như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đang áp dụng khá hiệu quả tại các cánh đồng mẫu lớn những năm qua để nhân rộng thời gian tới”.

Để chương trình mua tạm trữ lúa gạo thời gian tới đạt hiệu quả, theo các chuyên gia kinh tế, cần có sự điều chỉnh nhất định để nông dân có lợi nhiều nhất. Các ngành chức năng cần kết hợp tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công tác tạm trữ triển khai đúng tiến độ, đúng mục tiêu.

Đặc biệt sẽ xem xét đẩy sớm thời gian bắt đầu tạm trữ, số lượng, giá sàn thu mua phù hợp. Về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn.

Đánh giá cao việc mua tạm trữ, nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các cơ quan tham mưu cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Việc tạm trữ phải triển khai sớm đúng tiến độ, đúng mục tiêu, số lượng, giá sàn thu mua phù hợp,… Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện thông thoáng, giải ngân thuận lợi cho thương nhân thực hiện thu mua lúa, gạo tạm trữ đúng chủ trương.

Về xuất khẩu, bên cạnh việc củng cố, duy trì thị trường cũ phải tìm thị trường mới; đồng thời, tăng cường kiểm tra đôn đốc các thương nhân đẩy nhanh tiến độ thu mua tạm trữ theo kế hoạch.

 

Giá lúa giảm mạnh

Hiện lúa khô loại thường đã rớt xuống mức 4.900- 5.000 đ/kg; lúa khô hạt dài 5.100 đ/kg; lúa Jasmine 5.600- 5.700 đ/kg. Đến ngày 26/4, toàn tỉnh Vĩnh Long đã thu hoạch được 2.070ha lúa Hè Thu ở 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít, năng suất 6,73 tấn/ha.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG