EVFTA sớm thông qua- cơ hội xen lẫn thách thức

Cập nhật, 05:57, Thứ Năm, 01/08/2019 (GMT+7)

Nhiều cơ hội mở ra cho thương mại, đầu tư khi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) Việt Nam- EU được thông qua. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu có thể tăng thêm gần 45% vào năm 2030; GDP tăng từ 7,07- 7,72% giai đoạn 2029- 2033.

ĐBSCL với các ngành sản xuất hàng hóa, thực phẩm chế biến, đặc biệt là thủy sản, gạo, rau củ, trái cây đều có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu.

Cơ hội mở ra cho thương mại, đầu tư khi EVFTA Việt Nam- EU được thông qua.
Cơ hội mở ra cho thương mại, đầu tư khi EVFTA Việt Nam- EU được thông qua.

Cơ hội cho nông sản

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, có tác động trực tiếp, sâu rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội, chính trị, thương mại. Với EVFTA có nhiều khác biệt.

Tại hội thảo: “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) sớm được thông qua”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam (VIAC) phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI Cần Thơ- cho biết EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các định chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có tính đến độ chênh của trình độ phát triển giữa hai bên.

Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu sẽ được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn và đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác EU dành cho Việt Nam. Với EVFTA, Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận với những máy móc, thiết bị, công nghệ và kỹ thuật cao từ các nước EU.

Về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn.

Hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra sức ép để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Những ngành mũi nhọn của Việt Nam như: gạo, cà phê, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi. Tại ĐBSCL, với sản phẩm nông nghiệp vô cùng đa dạng, phong phú, EVFTA sẽ là cơ hội rất lớn trong mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.

Hiện ĐBSCL từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nông sản.

Dù EU chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất (với kim ngạch là 42 tỷ USD) nhưng mức độ tăng trưởng cao (17% năm 2018) và tính tương tác, bổ sung rất lớn, rất rộng nên dư địa cho hợp tác, xuất khẩu là rất có ý nghĩa.

Xét tổng thể- ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, EVFTA thông qua sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu tăng thêm gần 45% vào năm 2030; giúp GDP của Việt Nam tăng từ 7,07- 7,72% giai đoạn 2029- 2033.

Rào cản chất lượng sản phẩm

“Sẽ có nhiều thách thức”- đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo này trong bối cảnh doanh nghiệp Việt phần lớn là nhỏ và vừa.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh- Chủ tịch VIAC- thì EU là một thị trường khó tính, khách hàng luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng.

Nông nghiệp Vĩnh Long cũng đã dần thay đổi để hội nhập, cụ thể dần chuyển sang hướng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mặt hàng nông sản như: lúa, xoài, bưởi… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều, truy xuất được nguồn gốc và đã vào được thị trường khó tính.

Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.

Ông Florian J Beranek- chuyên viên Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM)- cho biết mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa.

Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.

Ngoài ra, EU còn có nhiều rào cản về kỹ thuật thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Điều này, nông sản ĐBSCL sẽ gặp thách thức khi phần lớn chỉ đảm bảo về sản lượng nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp. Nguyên nhân do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu, truy suất nguồn gốc còn rất hạn chế.

Để đón nhận thời cơ, vượt qua thách thức đối với nền kinh tế, Chủ tịch VIAC- Trần Hữu Huỳnh- cho rằng Việt Nam phải sớm thay đổi đáp ứng những cam kết và thể hiện quyết tâm của Việt Nam khi chấp nhận các “luật chơi” quốc tế.

Cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân cần sớm tìm ra và khắc phục kịp thời các yếu kém, bất cập để thực hiện cam kết của mình trong các FTA với các đối tác khác nhau theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, theo Bộ Công thương, tới đây sẽ có chương trình hành động tổng thể, toàn diện như cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân, bộ máy nắm bắt các nội dung, cam kết, trách nhiệm và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức. Bên cạnh, sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa cho phù hợp các cam kết đã ký. Quản trị, điều hành luôn có những cải cách để quản lý nhà nước gắn với cam kết hội nhập, hướng vào tạo thuận lợi cho DN. Xây dựng các cơ chế, mô hình liên kết để quản lý nhà nước gắn với DN, người dân nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH