Mã số vùng trồng- điều kiện cần để trái cây xuất ngoại

Cập nhật, 05:27, Thứ Ba, 02/04/2019 (GMT+7)

Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cách làm này còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề cấp mã trồng vẫn còn là một bài toán khó cho ngành chức năng lẫn nông dân.

Mã số vùng trồng rất cần thiết và quan trọng để trái cây mở rộng thị trường.
Mã số vùng trồng rất cần thiết và quan trọng để trái cây mở rộng thị trường.

Mã số vùng trồng còn quá ít

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), thời gian qua công tác tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là đối với các mặt hàng quả tươi của Việt Nam xuất khẩu đi các nước.

Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, kể cả thị trường Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính.

Ông Nguyễn Quang Hiếu- Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông- Cục BVTV cho hay: Từ năm 2018, Trung Quốc đã yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Để đáp ứng nhu cầu trên, Cục BVTV đã cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói, đồng thời tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của địa phương.

Không chỉ vậy, đối với các thị trường khó tính, cùng với yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật áp dụng như “xử lý hơi nước nóng”, “xử lý chiếu xạ”, các nước nhập khẩu còn cử chuyên gia kiểm dịch thực vật đến làm việc tại Việt Nam để kiểm tra từng lô hàng tươi tại cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu (chương trình kiểm tra tại gốc).

Nội dung chính của chương trình này đều có tiêu chuẩn kỹ thuật và có hệ thống truy xuất nguồn gốc: mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý đều phải đạt chuẩn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp- PTNT, hiện nay, khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn rất ít, ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu.

Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản để trái cây xuất ngoại tại Vĩnh Long. Hiện, tỉnh có gần 44.500ha trồng cây ăn trái tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chỉ có 113,14ha được cấp mã số vùng trồng (chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng diện tích), trên các loại cây trồng: xoài (30,64ha), chôm chôm (11,6ha), bưởi (50ha) và nhãn (20,9ha).

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Vĩnh Long đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái có quy mô khá lớn, với năng suất được duy trì và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa phân tán, chất lượng không đồng đều, việc sản xuất còn nặng về số lượng, ít chú trọng đến chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu.

Mã số vùng trồng- khó cũng phải làm

Mã số vùng trồng là gì? Quan trọng thế nào? Theo Cục BVTV, mã số vùng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó (tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số).

Theo đó, để được cấp mã số vùng trồng, vùng sản xuất của nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nghĩa là khuyến khích nông dân sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học thay vì lạm dụng phân, thuốc hóa học.

Cụ thể, theo ông Trần Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, diện tích vùng trồng tập trung có thể tối thiểu 10 ha/mã.

Vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP….) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương.

Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng. Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn trái.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc,…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.

Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 1 quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.

Trong đó, yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại,...).

Đồng thời, phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng. Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng,...

Có thể thấy, việc cấp mã vùng trồng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Việc cấp mã số chứng minh sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của trái cây trước thu hoạch.

Đây cũng là nội dung của hồ sơ hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Và sẽ là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản Việt Nam có thể bước chân vào các thị trường khó tính.

Hiện thời 18 tỉnh- thành có vườn được cấp mã số vùng trồng cây ăn trái gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN