CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Thách thức làm chủ công nghệ

Cập nhật, 05:34, Thứ Năm, 07/12/2017 (GMT+7)

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 (còn gọi là CMCN lần thứ tư) sẽ là cuộc CM toàn dân, tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay. Thách thức làm chủ công nghệ, vì vậy muốn đón nhận phải đi trước...

Chia sẻ với các doanh nghiệp Vĩnh Long, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc Viện Quản lý kinh tế Hồ Chí Minh- cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 (còn gọi là CMCN lần thứ tư) sẽ là cuộc CM toàn dân, tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay. Thách thức làm chủ công nghệ, vì vậy muốn đón nhận phải đi trước... 

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ “không chừa ai”. Ảnh minh họa
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ “không chừa ai”. Ảnh minh họa

4.0 sẽ “không chừa ai”

Nếu như cuộc CMCN lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí; CMCN lần thứ 2 (từ 1870) khi loài người phát minh ra động cơ điện, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước;

CMCN lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau, thì CMCN lần thứ tư diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc CM số.

Mà theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, cuộc CM này sẽ “không chừa ai” và gây nguy cơ mất việc làm lớn không chỉ với lao động phổ thông, mà với cả nguồn nhân lực cao cấp.

Đặc trưng lớn nhất của CMCN 4.0 là tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và Internet, mà đỉnh cao là mạng lưới vạn vật kết nối. 

Nói một cách khác, CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, cuộc CM này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mặt trái là khi máy móc “hiểu được cảm xúc”, cùng với việc học hỏi rất nhanh, lao động phổ thông dường như chịu sự cạnh tranh mất việc. Các cửa hàng ở nhiều nơi hiện đã không cần nhân viên bán hàng. Robot sẽ thay bác sĩ chẩn đoán bệnh…

Hội nhập để tránh tụt hậu

Cơ sở bún Ba Khánh chủ động đổi mới thiết bị để hội nhập.
Cơ sở bún Ba Khánh chủ động đổi mới thiết bị để hội nhập.

Theo các chuyên gia, CMCN 4.0 mở ra những cơ hội lớn cho nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

Điềm tĩnh đón nhận, xác định chiến lược hay có phương án thích ứng ngay từ bây giờ... là những vấn đề đặt ra đối với nhà quản lý, doanh nghiệp. 

Ngành sử dụng nhiều lao động ở mức độ đào tạo đơn giản thì đương nhiên áp lực của việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ trở thành thách thức. Tuy nhiên, đổi mới ngay từ lúc này cũng không phải quá chậm.

Bà Lưu Kim Phụng- chủ cơ sở bún Ba Khánh (Trường An- TP Vĩnh Long)- cho biết: Nếu trước đây việc sản xuất “bằng tay” chủ yếu thì nay nhiều công đoạn thay thế bằng máy móc, đầu tư nhà xưởng, chuyển đổi công nghệ.

Nếu theo quy trình cũ phải ngâm gạo 6- 7 ngày, vừa ngâm vừa tẻ liên tục, thì với quy trình mới chỉ cần 6 tiếng. Máy cũ cần 1.000 lít nước để sản xuất 100kg bún, máy mới chỉ cần 200 lít.

Nhờ vậy, lượng nước thải ra cũng ít hơn. Về khâu quản trị, nếu trước đây chủ yếu “người nhà” thì hiện cơ sở cũng đang tiến tới thành lập văn phòng, thuê kế toán, giám đốc điều hành độc lập.

Một số cơ sở, doanh nghiệp khác như: tại Cơ sở nước mắm Hòa Hiệp, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cũng có bước chuyển trong việc đổi mới cách quản trị.

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện chưa nhiều doanh nghiệp chủ động hội nhập. Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, trình độ sản xuất có nơi vẫn áp dụng CMCN 1.0, có nơi áp dụng 2.0, 3.0.

Vì thế, việc đi tắt đón đầu là điều không hề dễ dàng. “Việc lựa chọn hướng đi nào sẽ phụ thuộc vào cách mỗi doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ và xác định rõ tiềm lực bản thân doanh nghiệp để lựa chọn đường đi hiệu quả nhất”- ông Nguyễn Hoàng Dũng nói, đồng thời khuyên các doanh nghiệp Vĩnh Long, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ về CMCN 4.0, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng.

Từ đó, cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để tránh tụt hậu.

Trước xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0, ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; yêu cầu các ngành các cấp, tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin- truyền thông; phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG