Thanh toán không dùng tiền mặt- thích ứng tình hình mới

Cập nhật, 14:07, Thứ Năm, 23/09/2021 (GMT+7)

 

Khách hàng được giới thiệu về kênh ngân hàng số trên nền tảng OCB OMNI.
Khách hàng được giới thiệu về kênh ngân hàng số trên nền tảng OCB OMNI.

(VLO) Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc chuyển đổi số của ngành ngân hàng không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn tạo ra nhiều tiện ích giúp khách hàng dần thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng thanh toán không dùng tiền mặt

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, anh Thanh Sang ở xã Long An (Long Hồ) dần làm quen với mua hàng online, chuyển khoản thay vì trả bằng tiền mặt.

“Ở xã muốn rút tiền mặt phải chạy lên huyện hơn 5km, nhưng để hạn chế ra ngoài, tui ở nhà gọi tới các siêu thị, cửa hàng để mua hàng giao tận nơi và chuyển khoản. Ngoài các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặt mua thuốc tây ở các nhà thuốc lớn ở TP Vĩnh Long cũng được ship về tới nơi”- anh Sang nói.

Việc mua hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt càng “quen tay” hơn với nhiều người dân trong dịch bệnh.

Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, chị Ngọc Thủy ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Qua các app, cần mua gì, chỉ cần gửi danh sách, siêu thị xác nhận và ra hóa đơn, mình chuyển khoản thanh toán rồi chờ nhận hàng. Thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, internet… tôi cũng đã chuyển khoản cho tiện”.

Cùng với sự thay đổi dần thói quen không dùng tiền mặt của người dân, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện ngân hàng số để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng.

Ông Lý Nhật Trường- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long- cho rằng: “Nhìn chung, các dịch vụ chuyển tiền, quản lý thẻ, tài khoản, thanh toán hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ (trả tiền điện, nước, điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, thanh toán học phí, viện phí, dịch vụ công, mua sắm, mua vé…) đã được tích hợp thực hiện. Một số ngân hàng triển khai dịch vụ gửi tiết kiệm, tự mở tài khoản điện tử của cá nhân, cho vay tiêu dùng của cá nhân…”

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượt đăng ký giao dịch điện tử đạt 72.559 khách hàng, tổng số món giao dịch điện tử đạt 2.125.055 món, tăng 95,8% so cùng kỳ, với giá trị giao dịch đạt 25.168 tỷ đồng, tăng 131,5% so với cùng kỳ.

Phát triển hoạt động kinh doanh, đồng thời tuân thủ các quy định an toàn trong thời dịch bệnh, các ngân hàng thương mại cũng khuyến khích khách hàng: sử dụng dịch vụ đăng ký mới tài khoản trực tuyến, đăng ký sử dụng ứng dụng thanh toán để thực hiện các giao dịch ngân hàng mà không cần phải đến ngân hàng. Sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư SMS, có tích hợp thông báo gốc lãi vay để khách hàng tiện theo dõi tình hình tài chính cá nhân.

Xu hướng thích ứng tình hình mới

Ông Phan Võ Phước Khánh- Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Vĩnh Long- cho biết: Vietcombank đã tiên phong đầu tư rất lớn cho việc xây dựng hệ thống các sản phẩm ngân hàng điện tử nhằm đem đến trải nghiệm tiện ích, toàn diện, an toàn bảo mật. Nhờ đó, trong thời gian dịch COVID-19, các khách hàng không bị gián đoạn trong giao dịch thanh toán.

“Thời gian qua, Vietcombank đã liên tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhằm giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử có ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh việc đưa ra các ưu đãi, Vietcombank không ngừng nâng cấp hệ thống, cải thiện tốc độ xử lý giao dịch, tăng cường tích hợp các tiện ích cho ứng dụng nền tảng Digibank để khuyến khách hàng sử dụng sản phẩm.

Ứng dụng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tài khoản, thanh toán, tiết kiệm, đầu tư, mua sắm và đặc biệt, hiện tại các hoạt động tín dụng khách hàng đều có thể quản lý từ ứng dụng này như vay nợ, theo dõi nợ và thanh toán nợ”- Giám đốc Vietcombank chi nhánh Vĩnh Long cho biết.

Dẫn chứng số liệu của Cục Thống kê, ngay cả thời điểm tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì kinh doanh và thanh toán online vẫn tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm. Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng do việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Chi tiêu thông qua thẻ ATM/ thẻ tín dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ như siêu thị, trang thương mại điện tử tăng lên đáng kể. Ngày càng có nhiều cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào kênh thanh toán điện tử hơn.

Giám đốc Vietcombank chi nhánh Vĩnh Long nhận định: “Tất cả các tổ chức tín dụng đều tăng cường đầu tư nghiên cứu để cải thiện hệ thống ngân hàng điện tử cũng như giảm chi phí giao dịch không dùng tiền mặt. Điều này tạo nên sự thuận lợi lớn, giúp hình thành và củng cố thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt của khách hàng, bắt kịp với xu thế của thế giới trong ứng dụng công nghệ số vào đời sống”.

Cùng quan điểm đó, ông Thi Thanh Bình- Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh Vĩnh Long cho rằng: “Với xu hướng phát triển công nghệ 4.0 bùng nổ như hiện nay, xu hướng sử dụng thiết bị điện thoại thông minh ngày càng tăng, càng tiện lợi và đẩy nền kinh tế vào trạng thái ít phụ thuộc vào tiền mặt hơn.

Qua đó, thúc đẩy việc thanh toán bằng kỹ thuật số nhiều hơn, thói quen người tiêu dùng sẽ thay đổi theo các giải pháp nhanh và tiện lợi hơn trong mọi lĩnh vực”.

Theo Giám đốc OCB chi nhánh Vĩnh Long, OCB xây dựng kênh ngân hàng số trên nền tảng OCB OMNI (ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam), mang đến cho khách hàng trải nghiệm hoàn toàn mới trong quá trình giao dịch mọi lúc mọi nơi mà không cần tới ngân hàng như trước đây.

“Tôi lấy ví dụ, nếu khách hàng gửi tiết kiệm, thay vì đến ngân hàng làm thủ tục gửi tiền, thì với ngân hàng số OCB OMNI, khách hàng ngồi tại nhà, cơ quan chỉ cần vào app OCB OMNI nhấp chuột là có thể đầu tư tiền gửi tiết kiệm online.

Hay với 1 chiếc thẻ tín dụng, khách hàng sở hữu có thể giao dịch mua sắm hàng hóa rất tiện lợi”- ông phân tích và kết luận: “Ngân hàng số ra đời giải quyết và đáp ứng tất cả các nhu cầu, tiết kiệm rất nhiều thời gian của quý khách hàng so với giao dịch truyền thống”.

Ông Lý Nhật Trường- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long

Việc chuyển đổi số của ngành ngân hàng là một bộ phận của chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 749. Ngành ngân hàng thống nhất quan điểm phát triển ngân hàng số là vấn đề chiến lược chứ không đơn thuần như một dự án công nghệ. Theo đó, các ngân hàng thay đổi tư duy, lấy khách hàng là trung tâm, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cùng với việc thay đổi văn hóa kinh doanh, phương thức quản trị, đầu tư công nghệ, tích hợp kênh phân phối.

Thực hiện ngân hàng số sẽ mang lại cho khách nhiều tiện ích, khách hàng có thể giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi và thực hiện trên môi trường internet bằng các phương tiện như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… Nếu thực hiện đúng hướng dẫn của đơn vị cung cấp dịch vụ thì người dân hãy an tâm vì an toàn bảo mật trong giao dịch điện tử rất được quan tâm và từng bước cập nhật, nâng cấp đáp ứng với sự phát triển hiện nay.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC