Tăng cường giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp

Cập nhật, 19:54, Thứ Năm, 17/06/2021 (GMT+7)

 

Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân là một trong những mục tiêu định hướng quan trọng của tỉnh Vĩnh Long.
Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân là một trong những mục tiêu định hướng quan trọng của tỉnh Vĩnh Long.

Với mục tiêu phấn đấu năm 2021 trên địa bàn tỉnh có khoảng 425 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, Vĩnh Long tăng cường các giải pháp tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN phát triển.

Tạo điều kiện phát triển DN

Kế hoạch phát triển DN trên địa bàn tỉnh năm 2021 vừa được Sở Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) ban hành. Qua đó, đẩy mạnh phát triển DN, triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với DN, nhất là DN vừa và nhỏ, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

Theo Sở KH-ĐT, trong năm 2020 Vĩnh Long đã phát triển 388 DN, với tổng số vốn đăng ký là 2.367,4 tỷ đồng, trong đó chuyển từ hộ kinh doanh sang loại hình DN là 33. So với năm 2019 tăng 25 DN, tổng vốn đầu tư, quy mô vốn và chỉ tiêu phát triển DN đều giảm (chỉ tiêu 400 DN/năm, năm 2019: 9,95 tỷ đồng/DN, năm 2020: 6,1 tỷ đồng/DN). Đến 31/12/2020, số DN đang hoạt động là 2.911 DN, tổng vốn đăng ký 27.052 tỷ đồng.

Đánh giá của Sở KH-ĐT cho thấy, thời gian qua công tác đăng ký kinh doanh tiếp tục tạo ra bước đột phá về thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho DN khi thành lập và hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN khi gia nhập thị trường. Nhìn chung, các ngành và địa phương rất tích cực tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển DN năm 2020.

Một số địa phương có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục nên đạt kết quả vượt chỉ tiêu như Mang Thít (135%), Bình Minh (125%), Tam Bình (114%)... Lĩnh vực ngành nghề chính trong năm 2020 số DN thành lập mới tăng cao như: giáo dục và đào tạo; sản xuất phân phối điện, nước, ga; nhất là phát triển các ngành nghề: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ cơ sở trên đây, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý, các cơ chế, chính sách cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh, kế hoạch phát triển DN năm 2021 đặt mục tiêu cụ thể là: phấn đấu trên địa bàn tỉnh có khoảng 425 DN đăng ký thành lập mới, trong đó chuyển hộ kinh doanh sang loại hình DN là 60. Kế hoạch của Sở KH-ĐT nêu rõ: tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời phân bổ chỉ tiêu cụ thể phát triển DN đến từng huyện- thị- thành.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025, xác định 1 trong 3 khâu đột phá là: đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch. Để thực hiện khâu đột phá này, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh để tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân.

Hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính

Kế hoạch phát triển DN năm 2021 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; công khai, minh bạch thông tin chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN về thủ tục gia nhập thị trường, tiếp cận vốn tín dụng.

Đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ để các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua đăng ký thành lập DN. Đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc của DN…

Vĩnh Long đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển.
Vĩnh Long đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển.

Ông Nguyễn Bá Nhẫn- Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT)- cho rằng: “Một trong những giải pháp cụ thể trong kế hoạch phát triển DN năm 2021 là: hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Theo đó, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh từ 8 giờ xuống còn 4 giờ đối với các hồ sơ thuộc phạm vi giải quyết của Sở KH-ĐT, không liên thông với các cơ quan khác. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hướng dẫn, tư vấn, làm hồ sơ, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN”.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Nhẫn, hiện tại các huyện- thị- thành đã thành lập Ban vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình DN, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chịu trách nhiệm, phụ trách từng địa bàn… Qua đó, các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi hộ kinh doanh, cử cán bộ đến từng hộ sản xuất, kinh doanh nắm bắt tình hình hoạt động, vận động và hỗ trợ hộ đủ điều kiện chuyển đổi lên DN.

Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025 vừa được UBND tỉnh ban hành cũng đặt mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ ươm tạo ít nhất 20 ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên, học sinh, sinh viên; hỗ trợ phát triển 5 dự án khởi nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

- Tổ chức 5 cuộc thi khởi nghiệp cho các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, thanh niên, học sinh, sinh viên, học viên.

- Phấn đấu hàng năm có thêm 400 DN thành lập mới, trong đó có 10 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Hỗ trợ chuyển đổi 300 hộ kinh doanh lên DN.

- Hàng năm 100% các trường ĐH, CĐ và địa phương tham gia hoặc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp.

- Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh thu hút được khoảng 10 tỷ đồng đầu tư từ các DN khởi nghiệp của tỉnh.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC