Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Lợi ích to từ chiếc tem nhỏ

Cập nhật, 05:48, Thứ Sáu, 06/11/2020 (GMT+7)

 

 Nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới nguồn gốc xuất xứ và thành phần bên trong thực phẩm. Theo đó, không ít người tiêu dùng cũng đã bắt đầu xây dựng thói quen truy xuất nguồn gốc khi mua sắm. Điều này đã có tác động lớn đến nhận thức sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có cả các cơ sở, DN nhỏ.

Xu hướng tiêu dùng mới

Theo nhiều cơ sở, DN, xu thế hiện nay, người tiêu dùng không chỉ có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, mà cũng dần nâng cao ý thức, bắt đầu muốn biết, hiểu rõ nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình tạo ra sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ở một số nơi, việc truy xuất nguồn gốc dần dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.

Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT), thực hiện truy xuất nguồn gốc là công nghệ mới cũng là xu hướng mới cho các tổ chức, DN thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, không ít đơn vị tự ý thức được lợi ích của truy xuất nguồn gốc và chủ động thực hiện bởi khi truy xuất được thì đơn vị có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ, góp phần tăng sức cạnh tranh, mua bán, tạo được thương hiệu với người tiêu dùng.

Thời gian qua, ngành chức năng cũng có nhiều hỗ trợ cho DN, cơ sở, hợp tác xã (HTX) trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có quy trình sản xuất kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm có thị trường tiêu thụ và tiềm năng phát triển. Trong đó, ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi.

Được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong năm nay, chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình), cho rằng: Sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc là cách bảo vệ quyền lợi của chính DN, vì khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng. Không chỉ vậy, tem truy xuất cũng là hàng rào bảo vệ uy tín sản phẩm và DN trước nạn hàng giả, hàng nhái.

Cũng là một trong những đơn vị được hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cho biết: Các thị trường phát triển rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trong ngành thực phẩm.

Do đó, khi thực hiện truy xuất, bên cạnh đáp ứng nhu cầu từ trong nước, còn có thể chinh phục thị trường nước ngoài vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng.

Còn nhiều rào cản

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, mà còn làm “chuyển dịch” phương hướng sản xuất và kinh doanh của các DN.

Song, dù mang lại lợi ích to lớn, nhưng thời gian qua, việc triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều rào cản.

Bà Nguyễn Thanh Trúc- chuyên viên Phòng Công nghệ thông tin thuộc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho rằng: Do là xu thế phát triển nên hiện nay có nhiều QR code truy xuất nguồn gốc của sản phẩm do DN tự công bố và trả tiền dịch vụ đưa vào lưu trữ trong cơ sở dữ liệu riêng.

Trong khi đó, người tiêu dùng chưa biết sử dụng phần mềm truy xuất hoặc chưa tin vào tính minh bạch của mã QR code do đa phần những thông tin này đều là một chiều do phía DN “tự xưng” mà chưa thể hiện được cơ quan hay đơn vị giám sát tính chính xác của thông tin.

Bên cạnh đó, đa phần DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, phần lớn là các HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất nên bản thân DN vẫn chưa hiểu và chưa muốn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm,. Nguyên do, nếu DN áp dụng họ sẽ mất chi phí vận hành, kiểm soát hệ thống, trong khi, hiệu quả mang lại không như mong muốn.

“Vấn đề ghi nhật ký sản xuất cũng khiến các cơ sở sản xuất gặp khó bởi mọi số liệu đều ghi lại bằng tay, sau đó nhập thủ công lên máy tính trong khi trình độ người sản xuất còn hạn chế nên ghi nhật ký sản xuất chưa rõ ràng, áp dụng công nghệ thông tin thấp, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm,… là một trong những rào cản lớn khiến người sản xuất vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm”- bà Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm.

Đó là chưa kể, hiện nay, chưa có sự phối hợp trong công tác kiểm soát chặt chẽ và thống nhất từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, đưa ra thị trường. Việc quản lý và thực hiện có nhiều chồng chéo khiến việc truy xuất nguồn gốc không đạt hiệu quả mong muốn.

Thời gian tới, để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, các sở, ngành sẽ tiếp tục thực hiện dự án và mở rộng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho tất cả các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đồng thời, xây dựng nên chuỗi liên kết sản xuất an toàn có sự tham gia phối hợp từ các đơn vị có liên quan, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc của DN và người dân.

Có thể thấy, dù truy xuất nguồn gốc được xem là hướng đi còn nhiều khó khăn song, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh cho rằng: “Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là xu thế tất yếu của ngành thực phẩm. Nếu muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay, buộc doanh nghiệp phải có tính chủ động, đổi mới trong tư duy. Đây cũng là cách tự bảo vệ mình trong bối cảnh thị trường nhiều cạnh tranh như hiện nay”.

Thực hiện Dự án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020”, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã xây dựng và hỗ trợ triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm: khoai lang (năm 2017- Cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Phúc), cam sành (năm 2018- HTX Cam sành Khánh Nhân), chôm chôm (năm 2019- HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước, HTX Chôm chôm java Tân Khánh), rau, củ, quả và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (năm 2020- HTX Dưa lưới Mekong Green, HTX Rau an toàn Phước Hậu, Cơ sở sản xuất nước chấm Tuấn Linh).

Song song đó, Dự án “Phát triển thương mại điện tử cho nông sản chủ lực và các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2018- 2020” cũng thực hiện hỗ trợ cho 5 HTX và 1 tổ hợp tác xây dựng trang thông tin điện tử và tham gia vào Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long.

Bài, ảnh: TRÀ MY