Hợp tác xã đổi mới tư duy hoạt động

Cập nhật, 17:53, Thứ Năm, 26/11/2020 (GMT+7)

 

Nhiều hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nhiều hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Nhiều hợp tác xã (HTX) công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã đổi mới tư duy, đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, gắn với việc xây dựng thương hiệu, từ đó sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu thị trường. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần phát triển CN-TTCN ở địa phương.

Nâng chất lượng, đổi mới tư duy

Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, nhiều HTX CN-TTCN hoạt động trong lĩnh vực này đều ổn định và có chiều hướng phát triển về quy mô đầu tư cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều HTX đã đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thành viên, liên kết giữa sản xuất và thương mại, phát triển thành các vệ tinh sản xuất và gia công cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không ít HTX đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, nhất là đối tượng lao động nữ đã quá tuổi được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp, HTX giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống, cải thiện kinh tế cho gia đình.

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, HTX Thủ công mỹ nghệ An Phú (Long Hồ) đã có những bước tiến mới, hoạt động hiệu quả. Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, HTX đã khảo sát các vùng nguyên liệu lục bình ở Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và mỗi nơi đặt điểm thu gom nguyên liệu lục bình.

Đối với nguyên liệu dây cói xe, HTX cũng đã đầu tư 50 máy xe lõi tại vùng nguyên liệu Vũng Liêm để hàng tuần nhập về kho HTX, phân phối cho các tổ sản xuất. Mỗi khi thay đổi mẫu mã hoặc cần phát triển thêm mặt hàng mới, HTX cũng chủ động mở lớp đào tạo cho người lao động chứ không trông chờ vào hỗ trợ.

Ông Phan Văn Lăng- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thủ công mỹ nghệ An Phú- cho biết: HTX đặt thu nhập của thành viên và người lao động làm ưu tiên hàng đầu, lợi nhuận của HTX là thứ yếu, nhờ vậy thu nhập bình quân của người lao động tăng hơn qua các năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX còn đầu tư mua đất xây dựng nhà xưởng và trụ sở.

Tương tự, HTX Chiếu lác Thành Đông (Vũng Liêm) cũng đã phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể, liên kết người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng đầu tư máy móc để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lê Thanh Tâm- Giám đốc HTX- cho hay: HTX thành lập với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. HTX cũng đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới bao bì sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Song song đó, để nâng giá trị sản phẩm, bên cạnh sản xuất chiếu lác, HTX còn tận dụng phụ phẩm lác đạt chất lượng để làm thủ công mỹ nghệ như giỏ, thảm,…

Hiện nay sản phẩm làm ra rất hút hàng, không đủ cung ứng cho thị trường, đây là tín hiệu đáng mừng cho HTX.

Đang dệt chiếu tại cơ sở 2 của HTX Chiếu lác Thành Đông tại xã Trung Thành, chị Nguyễn Thị Trúc Linh (ấp Phước Lộc, xã Trung Thành- Vũng Liêm), cho hay: “Buổi sáng sau khi đưa con đi học, cắt cỏ cho bò xong thì tôi tới đây dệt chiếu. Nhờ vậy mà có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà”.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX- Huỳnh Văn Chương cho biết: Để phát triển các ngành nghề CN-TTCN, thời gian qua, Liên minh HTX cũng đã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho các thành viên và người dân, đồng thời nâng cao đào tạo nghề quản lý cho các cán bộ HTX, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác vừa phát triển vừa xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Để phát triển ổn định hơn

Theo ngành chức năng, tuy khu vực HTX CN- TTCN đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh địa phương.

Trong đó, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước hết là do quy mô sản xuất kinh doanh của một số HTX còn nhỏ, lẻ, cơ sở vật chất, trình độ công nghệ còn chưa được nâng cấp, cải tiến, thiết bị máy móc thô sơ. Điều này dẫn đến mẫu mã sản phẩm làm ra còn đơn điệu, chất lượng chưa đồng đều, chưa có thương hiệu nổi bật, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Trong khi đó, năng lực quản lý điều hành của phần lớn đội ngũ lãnh đạo HTX còn yếu, không thu hút được lực lượng cán bộ trẻ có năng lực để đảm nhiệm vai trò dẫn dắt các HTX CN- TTCN của địa phương phát triển bền vững.

Đầu tư máy móc thiết bị giúp hợp tác xã nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Đầu tư máy móc thiết bị giúp hợp tác xã nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX, trong đó có các HTX CN-TTCN, ông Huỳnh Văn Chương cho biết: Thời gian tới, sẽ tăng cường hoạt động thực hiện hỗ trợ HTX thụ hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ HTX phát triển; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của HTX, tạo điều kiện cho HTX phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể- HTX thực hiện mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị,…

Song song, các HTX cũng cần chủ động nâng cao tinh thần tự lực, chủ động, quan tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp cận khai thác thị trường mới, khơi dậy nguồn lực trong xã viên. Tỉnh cũng cần có giải pháp phù hợp, quan tâm phát triển các ngành nghề truyền thống ở vùng sâu, vùng xa nhằm thu hút nhiều lao động trong vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho lao động nông nhàn, từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN