​Phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi

Cần tăng cường kết nối trong ứng phó nước dâng

Cập nhật, 16:09, Thứ Ba, 27/10/2020 (GMT+7)

 

Ở nơi đường giao thông thấp hơn, nông dân phải be thêm “bờ cơm nếp” để ngăn nước bảo vệ đồng ruộng, vườn tược.
Ở nơi đường giao thông thấp hơn, nông dân phải be thêm “bờ cơm nếp” để ngăn nước bảo vệ đồng ruộng, vườn tược.

Tuy mới là đợt đầu tiên trong mùa mưa năm 2020, nhưng đỉnh kỳ triều cường vào đầu tháng 9 âl vừa qua (17- 18/10) đã tiếp tục vượt mức 2m sau 2 năm (2018, 2019) đỉnh triều vượt mức lịch sử.

Nhưng, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thiệt hại trong đợt triều cường này không lớn hơn những năm trước. Đóng góp vào kết quả này có vai trò của hệ thống công trình giao thông bộ và thủy lợi- 2 công trình quan trọng nhất trong ứng phó với nước dâng.

Triều cường kiểm chứng lại năng lực công trình…

Đỉnh triều tại 2 trạm Cần Thơ (sông Hậu) và Mỹ Thuận (sông Tiền) đều vượt báo động lũ cấp III và chỉ thấp hơn so với đỉnh triều cao nhất năm 2019 (đỉnh triều năm cao nhất từ trước đến nay) từ 7- 8cm.

Tại Mỹ Thuận: 2,05m và tại Cần Thơ: 2,17m; các trạm nội đồng chỉ thấp hơn đỉnh triều năm ngoái từ 0,13- 0,18m. Tuy nhiên theo số thống kê của ngành chức năng cho thấy thiệt hại ít hơn dự báo và ít hơn so với triều cường của 2 năm 2018, 2019.

Trước mùa lũ năm nay, ngành chức năng khảo sát, đánh giá: Nếu mực nước dâng lên cao bằng đỉnh triều cường năm 2019 thì trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.570ha (gồm 7.130ha đất lúa, 12.110ha đất vườn xen thổ cư và 1.180ha đất trồng rau màu) không thể giữ nổi, có thể bị tràn; do còn 51 tuyến đê bao, bờ bao (dài trên 236.300m) và 11 đoạn đường giao thông bộ (dài khoảng 59.000m) bao quanh các tiểu vùng có cao trình đỉnh thấp (từ 1,5m đến dưới 2m) hoặc bị xuống cấp.

Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT (đến 22/10) cho thấy: Trong kỳ triều cường vào đầu tháng 9 âl vừa qua, diện bị tràn, bị ngập thấp hơn nhiều so với dự báo.

Chỉ có 13,4ha lúa, 33,1ha hoa màu, 87,5ha vườn cây ăn trái, 0,8ha ao nuôi cá bị ngập...; 49 đoạn bờ bao dài 41.590m, 17 đập dài 300m, 32 đoạn đường giao thông bộ (dài khoảng 83.500m) bị tràn (trong đó có 5.000m đường QL); có 3 đoạn bờ bao (dài 89m) bị sạt lở, 3 đoạn đường tỉnh, đường huyện, đường xã bị hư hỏng (dài 110m) tại TX Bình Minh và các huyện Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình.

Những tuyến bờ bao, đường giao thông có đỉnh (cao trình dưới 2m) nằm ven các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và các cù lao trên các sông này đều bị nước mấp mé đỉnh bờ hoặc bị vỡ bờ, tràn. Khu vực nội đồng nhìn chung ít vỡ bờ bao, chỉ có tràn đập hoặc đường đan có cao trình thấp hơn 2m. Tổng thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng (thấp hơn 6 lần so với năm 2018 và thấp hơn 4 lần so với năm 2019).

Kết quả này, ngoài đóng góp to lớn của các tổ chức, cá nhân và nhân dân ở các địa phương chủ động trong phối- kết hợp với chính quyền và ngành chức năng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, còn xuất phát từ việc đầu tư lớn để xây dựng, duy tu, nâng cấp, sửa chữa từng bước hoàn thiện hệ công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn tỉnh để ứng phó với triều cường, nước dâng.

Vấn đề kết nối giữa công trình giao thông và thủy lợi trong phòng, chống lũ, ngăn triều cường đã được nhiều địa phương thực hiện khá nhiều trong những năm qua.

… Cần tăng cường kết nối giữa giao thông và thủy lợi

Có thể thấy rằng, phát triển hệ thống bờ bao, đê bao là nền cho phát triển hệ thống đường giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn. Hàng loạt các công trình bờ bao, đê bao ngay sau khi hoàn thành đã được láng nhựa, lát đan, rải đá thành đường giao thông. Ngược lại, hệ thống đường giao thông là hệ thống đê bao ngăn triều, chống lũ, bảo vệ vững chắc sản xuất nông nghiệp, dân cư, cơ sở hạ tầng.

Tính kết nối giữa đường giao thông và bờ bao thủy lợi đã góp phần hình thành khép kín hơn 400 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp chủ động tưới, tiêu (ô bao) có diện tích 112.855 ha
(chiếm 94,24% so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp)!

Tuy nhiên, có thể nhận ra rằng giữa chúng vẫn còn chưa có sự tương đồng về cao trình chống lũ, ngăn triều. Hiện tại, trừ những tuyến được đan, đường đá bụi liên ấp, liên xóm, liên hộ ở nông thôn được địa phương, nhân dân xây dựng trên nền bờ bao, thường có đỉnh đường bằng đỉnh bờ bao.

Còn những đường cấp lớn (đường huyện, đường tỉnh, QL) có đỉnh khác với đỉnh công trình thủy lợi. Đợt triều cường vào đầu tháng 9 âl vừa qua còn cho thấy: số đoạn đường bộ bị tràn nhiều hơn số đoạn bờ bao thủy lợi.

Điều này có thể do thời điểm đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa giữa 2 công trình khác nhau: công trình được làm sau thường cao hơn công trình làm trước; công trình giao thông chi phí đầu tư lớn hơn công trình thủy lợi... nên chậm được đầu tư hơn. Ngoài ra, còn do sự khác biệt trong quy chuẩn thiết kế giữa 2 nhóm công trình.

Do phân cấp công trình (cấp I, II, III, IV hay V) của 2 nhóm công trình là khác nhau, nên tần suất thiết kế (1%, 2%, 4 hay 5, 10%...) về mức nước lũ và độ an toàn (hay độ vượt cao đỉnh lũ), cao trình đỉnh của 2 nhóm công trình được thiết kế cũng khác nhau.

Chính vì vậy mà có nơi đường giao thông thấp hơn bờ bao và ngược lại; có nơi khi gặp triều cường, nhiều đoạn đường giao thông bị tràn nhưng bờ bao gần đó lại an toàn và ngược lại.

Thực tế cũng cho thấy, ở đoạn bờ bao thủy lợi thấp thì dễ chống tràn hơn so với ở những đoạn đường giao thông, vì bờ bao không có lớp phủ bằng nhựa hay bê tông, nên chỉ cần lấy đất dưới lòng kinh lên là đắp tôn cao thêm là có thể “chống tràn”.

Còn ở những đoạn đường giao thông thấp hơn, không thể lấy đất ở lòng kinh để đắp chống tràn như chống tràn cho bờ bao, nông dân phải be thêm “bờ cơm nếp” hoặc tấn bao cát, bao đất để ngăn nước bảo vệ đồng ruộng, vườn tược... Có nơi “chống” không nổi, dân đành bỏ trôi cho nước tràn vào đồng ruộng!

Trong những năm qua, hạ tầng thủy lợi và giao thông bộ trong tỉnh đã được đầu tư rất nhiều, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, khi xây dựng, nâng cấp, cải tạo và phát triển 2 hệ thống này cần được quan tâm hơn và tăng cường hơn tính đồng bộ, liên kết giữa chúng để mang lại hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống lũ, triều cường nói riêng và thiên tai nói chung, bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và đời sông nhân dân.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH