Lớn mạnh hơn cùng kinh tế hợp tác

Cập nhật, 08:50, Thứ Tư, 28/10/2020 (GMT+7)

Kinh tế tập thể (KTTT) thời gian qua đã và đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tác động sâu rộng vào đời sống sản xuất của người dân. Thực tế, đã có nhiều hợp tác xã (HTX) phát huy sức mạnh KTTT hiệu quả tạo thế và lực thúc đẩy hoạt động HTX phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho các thành viên, đồng thời tạo lòng tin, thu hút đông đảo người dân và các tổ chức tham gia.

Vườn dưa lưới chuẩn bị thu hoạch của HTX Mekong Green và sản phẩm luôn hướng tới “đẹp mẫu mã, ngon khẩu vị”.
Vườn dưa lưới chuẩn bị thu hoạch của HTX Mekong Green và sản phẩm luôn hướng tới “đẹp mẫu mã, ngon khẩu vị”.

“Đầu tàu” tiên phong mở lối

Tiếp chúng tôi khi vừa nhận tin vui là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu cả nước được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020, chú Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) bảo danh hiệu đó đến từ việc: “Tôi đã nghiên cứu đưa quy trình sản xuất lúa theo hướng sử dụng phân hữu cơ vào thay thế phân hóa học, dùng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đến nay, HTX Tấn Đạt đã xây dựng thành công HTX kiểu mới góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Đây là sáng kiến mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Điều này được chứng minh qua vài “con số biết nói”: Từ năm 2012, chú Tài tự khảo nghiệm 1ha đất lúa, khi hoàn thiện quy trình 2 năm sau đó, chú vận động 7 nông dân tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa sạch với 6ha.

Đến nay HTX Tấn Đạt thu hút 105 thành viên tham gia sản xuất trên 100ha, tạo việc làm cho hơn 100 lao động, thu nhập 3- 4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ thành công mô hình HTX Tấn Đạt, chú Tài cho biết đang vận động thành lập Liên hiệp HTX Lúa gạo Vĩnh Long với diện tích 400ha sản xuất theo hướng hữu cơ, thu hút trên 500 thành viên.

Từ những ngày ban đầu “trồng lúa hữu cơ đem đi tặng nhiều người nghi ngại không dám ăn. Chúng tôi phải nhờ các nhà khoa học, tranh thủ các cuộc họp, hội nghị giải thích cho người dân hiểu.

Ở đâu có mô hình hay là tôi chạy tới học hỏi, mày mò làm lúa hữu cơ vì muốn giúp ích cho nông dân trên cùng diện tích tăng lợi nhuận cao hơn”- chú Tài cho biết hiện HTX đã làm được điều đó. Tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ nông dân lợi nhuận cao hơn sản xuất ngoài mô hình từ 2- 3 lần.

Cụ thể, sản xuất ngoài mô hình sau khi trừ chi phí lời khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, nhưng khi tham gia HTX lợi nhuận 60- 70 triệu đồng/ha/năm. Hơn nữa, sản xuất lúa hữu cơ từng bước cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Chú Đoàn Văn Tài với sản phẩm gạo hữu cơ HTX Tấn Đạt.
Chú Đoàn Văn Tài với sản phẩm gạo hữu cơ HTX Tấn Đạt.

Đến nay, thương hiệu gạo hữu cơ của HTX Tấn Đạt đã được chứng nhận quốc tế (USDA, EU, JAS) và nhiều giải thưởng uy tín trong nước. Để tạo sự đồng thuận của thành viên, kinh nghiệm của chú Tài là: người “đầu tàu” HTX phải có tâm huyết, nhiệt tình và phải đổi mới tư duy, thay đổi tập quán sản xuất.

“Trước nay nông dân chưa làm chủ được giá cả là do chất lượng, số lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện nay, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tăng cao, chỉ có liên kết tổ chức sản xuất đầu vào và đầu ra ổn định mới phát triển lâu dài”- chú Tài nhấn mạnh.

Từ nền tảng này, HTX Tấn Đạt đang tính chuyện tăng thêm giá trị sau hạt gạo qua nghiên cứu các sản phẩm từ gạo hữu cơ như: trà gạo thảo dược, bột gạo lứt thảo dược, bột dinh dưỡng thảo dược… HTX mong muốn thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho những mô hình công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, nhất là tư vấn về quy trình sản xuất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Những nhân tố mới

HTX Tấn Đạt là một trong số các HTX lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo đánh giá của Liên minh HTX, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, chú trọng đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo điều kiện ổn định và phát triển. Mà HTX Mekong Green (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) là một nhân tố mới thú vị.

Giám đốc 9X của HTX Mekong Green- anh Nguyễn Trọng Nghĩa- tạo thiện cảm người đối diện bằng câu chuyện thực tế sản xuất đầy tâm huyết, cùng những “định vị” vững chắc cho HTX tương lai.

Trong khi bà con xứ bưởi Mỹ Hòa đang loay hoay tìm kiếm thử nghiệm cây trồng mới, thì trồng dưa lưới công nghệ cao được cho là hướng đi khá táo bạo. Quả thật, “vận động bà con rất khó bởi không ai tin vào hiệu quả và tính khả thi của mô hình này. Chúng tôi phải đưa bà con đi xem thực tế quy trình sản xuất, tiếp cận công nghệ mới… hơn 1 năm họ mới tin tưởng”- anh Nghĩa cho biết.

Bà con tin tưởng và HTX được thành lập với 11 thành viên. Hiện 6 công dưa lưới đầu tư theo hướng công nghệ cao đã cho thu hoạch 1,5- 3 tấn/ tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

Theo anh Nghĩa, sản xuất công nghệ cao có lợi nhiều yếu tố như kiểm soát được nước, nắng, dịch bệnh… nên cho số lượng, chất lượng đồng đều. Cùng với việc mở rộng kênh phân phối vào siêu thị, HTX mong muốn tăng cường liên kết với các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh, xây dựng mạng lưới kết nối các nhà vườn sản xuất công nghệ cao.

Là thành viên của HTX Mekong Green, chú Võ Văn Tuấn cho hay: “Trước đây, tôi trồng màu nhưng giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ khi tham gia vào HTX thấy khỏe hơn nhiều, bởi sản xuất dưa lưới công nghệ cao có quy trình hẳn hoi, chất lượng sản phẩm đồng đều, đầu ra cũng ổn định, không sợ dội chợ hay thương lái ép giá”.

Kinh tế tập thể đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Kinh tế tập thể đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đây cũng là mong ước của nhiều người nông dân, vì thế anh Nghĩa cho rằng, định hướng phát triển sản phẩm theo hướng tập trung vào chiều sâu chất lượng, “đẹp mẫu mã, ngon khẩu vị, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm”.

Song song đó, “tôi hy vọng, thời gian tới, sẽ tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ thuận lợi hơn để tạo điều kiện cho các HTX mở rộng sản xuất kinh doanh. Bởi hiện nay đã có một số nguồn quỹ tín dụng, nhưng do vướng cơ chế nên các HTX chưa chạm tới được. Theo tôi, cần vận dụng chủ trương, chính sách sáng tạo, phù hợp với pháp luật để thúc đẩy KTTT phát triển nhanh, mạnh hơn nữa”- anh Nghĩa nói.

Trong 5 năm qua, đã phát triển thành lập mới 110 HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 175 HTX, tăng 55,95% so với năm 2015. Trong số HTX thành lập mới, lĩnh vực nông nghiệp chiếm nhiều nhất với 73 HTX và 1 liên hiệp HTX.

Giá trị sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 của KTTT đạt trên 4.737 tỷ đồng, trong đó doanh thu của HTX đạt trên 1.273 tỷ đồng. Mức tăng trưởng doanh thu HTX bình quân 10,15%. Năm 2019, thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt 63,50 triệu đồng/năm, tăng 54,60% so với năm 2015.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY