Mở ra triển vọng nguồn cung giống lúa chất lượng cao

Cập nhật, 15:51, Thứ Ba, 15/09/2020 (GMT+7)

Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) vừa báo cáo kết quả thực hiện dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020.

Kết quả dự án năm nay với sản phẩm là nguồn giống nguyên chủng mở ra triển vọng nguồn cung giống lúa chất lượng tại địa phương.

Triển vọng nguồn giống lúa chất lượng đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (bên phải)- trao đổi với nông dân sản xuất giống ở xã Thiện Mỹ (Trà Ôn).
Triển vọng nguồn giống lúa chất lượng đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (bên phải)- trao đổi với nông dân sản xuất giống ở xã Thiện Mỹ (Trà Ôn).

Dự án trên với mục tiêu củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần cấp nguyên chủng, xác nhận, đảm bảo hạt giống đạt chất lượng, cho năng suất cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm lúa gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.

Trong năm 2020, dự án được triển khai 80ha tại 7 huyện gồm: Vũng Liêm 25,4ha, Tam Bình 24,6ha, Trà Ôn 13ha, Mang Thít 8ha, Bình Tân 6ha và Long Hồ 3ha. Sản lượng lúa giống sản xuất dự kiến đạt 392 tấn.

Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước trên 934 triệu đồng, người dân tham gia dự án đối ứng trên 1,68 tỷ đồng. Theo đó, dự án hỗ trợ chi phí sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng bao gồm các chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động,…

Cụ thể, các tổ sản xuất giống, CLB, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và hộ nông dân có kinh nghiệm có đủ điều kiện sản xuất lúa giống tham gia dự án được hỗ trợ 30% tổng chi phí sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng với định mức hỗ trợ trên 9 triệu đồng mỗi héc ta và định mức thu hồi là 30% tổng số kinh phí dự án hỗ trợ tương đương 2,7 triệu đồng/ha sau khi kết thúc vụ sản xuất.

Chủng loại giống sản xuất gồm các giống chủ lực như: OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 6976, IR 50404 (vụ Đông Xuân).

Kết quả thực hiện tại huyện Trà Ôn năm nay, 8 cơ sở hộ tham gia sản xuất với tổng diện tích 13ha, trong đó vụ Đông Xuân 2,5ha và vụ Thu Đông là 10,5ha tại xã Hòa Bình và Thiện Mỹ. Chủng loại giống là OM 5451 (10,5ha) và OM 6976 (2,5ha).

Theo đánh giá của ban quản lý dự án, qua kiểm định đồng ruộng các cơ sở đều đạt cấp giống nguyên chủng. Lúa phát triển tốt, dự kiến năng suất thu hoạch bình quân mỗi héc ta khoảng 6,5 tấn lúa tươi.

Ông Nguyễn Tiến Anh- Trưởng Trại Lúa giống (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh) cho biết dự án triển khai năm nay cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, việc canh tác lúa giống cấp nguyên chủng đòi hỏi người tham gia phải có kinh nghiệm khử lẫn, có nhân công lao động, ruộng chủ động nước, đường giao thông thuận tiện cho việc thu mua,… do đó rất khó trong việc tuyển chọn hộ mới.

Bên cạnh, do tình hình xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng tới thời vụ canh tác và năng suất lúa. Cộng với việc các cơ sở mới tham gia dự án chưa quen với kỹ thuật canh tác lúa cấy nên chưa khai thác hết tiềm năng và năng suất giống.

Chính sách độc quyền về giống của các doanh nghiệp cũng làm ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm giống của mô hình. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng làm chậm tiến độ dự án so với các năm trước.

Có 2,5 công tham gia dự án này, ông Nguyễn Văn Thức (ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) cho rằng việc sản xuất giống đòi hỏi người nông dân phải có kinh nghiệm, có tinh thần học hỏi để tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa. Và trên hết là phải có đam mê, cần cù, siêng năng thì hiệu quả sản xuất lúa giống mới cao được.

Theo kỹ sư Lê Hoàng Nam (Trại Lúa giống), năng suất lúa giống ước đạt 6,5 tấn/ha lúa tươi, cao hơn so với sản xuất lúa hàng hóa 500 kg/ha. Lợi nhuận sản xuất lúa giống cũng cao hơn trên 7,8 triệu đồng/ha.

Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn mang lại một số lợi ích đáng kể khác như chất lượng hạt lúa được đảm bảo, độ đồng đều cao. Do ít sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật nên góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc hỗ trợ kiểm định, kiểm nghiệm tạo nền tảng cho người sản xuất tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng hạt giống, đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cao tại địa phương. Với mô hình sản xuất lúa giống sẽ rất thích hợp đối với những nông hộ sản xuất nhỏ, lẻ.

Tại hội thảo đầu bờ báo cáo kết quả thực hiện dự án trên tại huyện Trà Ôn, ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh- khuyến nghị các cơ sở, hộ tham gia dự án tiếp tục sử dụng nguồn giống cấp nguyên chủng này để sản xuất lúa xác nhận phục vụ nhu cầu tại chỗ, từ đó nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao.

Địa phương cần phát huy hiệu quả do dự án mang lại như tạo sự chủ động sản xuất, cung cấp giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng, giảm chi phí, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, môi trường sinh thái tại địa phương.

Việc cung cấp giống từ hệ thống nhân giống nguyên chủng cho sản xuất lúa xác nhận và lúa hàng hóa tạo nền tảng để phát triển ổn định mạng lưới sản xuất lúa giống của tỉnh cũng như đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Triển vọng nguồn giống lúa chất lượng đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (bên phải)- trao đổi với nông dân sản xuất giống ở xã Thiện Mỹ (Trà Ôn).

Bài, ảnh: THÀNH LONG