Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Không được chủ quan ở bất kỳ mặt trận nào

Cập nhật, 09:20, Thứ Năm, 09/07/2020 (GMT+7)

 

Kinh tế (KT) thế giới xấu hơn do đại dịch COVID-19. Nhiều nền KT ở các khu vực tăng trưởng âm rất sâu. Chúng ta không được chủ quan ở bất kỳ mặt trận nào; phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ dịch quay trở lại, đồng thời phải nắm bắt cơ hội để từ đó có đối sách đúng và kịp thời, trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19 vừa tấn công trên mặt trận KT, thực hiện thành công mục tiêu kép đã đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện phát triển KT- xã hội tháng 6 và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi sau dịch COVID-19, mới đây.

Tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua

Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, KT Việt Nam cũng chịu nhiều tác động. Dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong năm nay KT toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2%, nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta, nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ và bằng 33% GDP. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ.

Do đây là giai đoạn thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội. Tuy nhiên, với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích KT trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này theo nhận định chung là “không quá tồi tệ”.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, cho biết tỉnh có nhiều cố gắng cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, xếp hạng 3 cả nước, thứ 2 khu vực ĐBSCL. 6 tháng đầu năm cấp chứng nhận đầu tư cho 11 dự án, trong đó có 2 dự án FDI và cấp giấy chứng nhận thành lập mới cho 156 doanh nghiệp.

Về giải ngân vốn đầu tư công đạt 25% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn trung ương thực hiện theo chương trình mục tiêu đạt 27%. Đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn và giải quyết việc làm đạt thấp hơn 50% so cùng kỳ.

Do tác động của dịch COVID-19, có 198 doanh nghiệp thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 3.570 hộ kinh doanh có đơn yêu cầu ngừng hoạt động kinh doanh và có 1.182 doanh nghiệp thiệt hại do dịch bệnh, chiếm 43% so doanh nghiệp hoạt động.

An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe thực hiện kịp thời, an ninh trật tự, an toàn xã hội giữ vững. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhiều đối tượng người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng dịch. Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 112.000 đối tượng, kinh doanh cá thể, với 125 tỷ đồng. 6 tháng còn lại sẽ thực hiện tập trung phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, khắc phục hạn mặn; hỗ trợ doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đã kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành nghiên cứu các dự án khả thi, công nghệ giống có khả năng ứng phó, thích nghi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; giúp tỉnh đẩy nhanh thực hiện đề án điện năng lượng mặt trời…

Không chủ quan

Các bộ, ngành, địa phương cho rằng, thách thức phía trước còn rất lớn, nhất là về thị trường; thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn; lao động, việc làm;…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng KT thế giới đang xấu đi nhanh chóng do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Ở trong nước, ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 thể hiện rõ hơn trong quý II, khi tăng trưởng chỉ đạt 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng năm 2020, tăng trưởng đạt 1,81%. Song, nhìn tổng thể, đây cũng là một kết quả rất tích cực.

Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan ở bất kỳ mặt trận nào; phải nắm bắt cơ hội để từ đó có đối sách đúng và kịp thời hơn, trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch vừa tấn công trên mặt trận KT, thực hiện thành công mục tiêu kép đã đặt ra.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch- Đầu tư xây dựng kịch bản cụ thể tăng trưởng quý III, IV/2020 với mục tiêu bảo đảm không để KT rơi vào suy thoái. Từng địa phương thành lập BCĐ, tổ công tác để thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn- nhất là về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và những vướng mắc về thể chế hiện nay.

Thủ tướng cũng yêu cầu, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại, đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển bền vững KT; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, là kiểm soát tốt giá cả thị trường, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu, triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thúc đẩy phát triển; dành nguồn lực thỏa đáng cho triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thiên tai, bão lụt… Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tiến độ triển khai các công trình xây dựng, công nghiệp, nhất là công trình năng lượng, bảo đảm đủ điện cho phát triển KT- xã hội.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG