Năng lượng có ý nghĩa chiến lược thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cập nhật, 07:43, Thứ Năm, 30/07/2020 (GMT+7)

 

Nhiều hộ gia đình đã chọn giải pháp lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà để giảm tiền điện.
Nhiều hộ gia đình đã chọn giải pháp lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà để giảm tiền điện.

Phát biểu tại “Diễn đàn cấp cao về năng lượng (NL) Việt Nam 2020” vừa diễn ra- đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương- nhấn mạnh: NL là ngành kinh tế- kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong. Phát triển NL có ý nghĩa chiến lược để thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Diễn đàn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55- NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển NL quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, ngành NL nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực NL; bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra. Tuy vậy, ngành này vẫn còn nhiều hạn chế; mục tiêu bảo đảm an ninh NL quốc gia còn nhiều thách thức; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh NL đang biến động theo chiều hướng bất lợi...

Nhận thức được tầm quan trọng NL, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển NL trong bối cảnh phát triển mới. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55/NQ-TW với những quan điểm đổi mới, mạnh mẽ và đột phá. Nghị quyết đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện tốt nghị quyết sẽ tạo ra những phát triển đột phá cho ngành NL Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Dương Quang Thành- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- cho biết, những năm qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao trong việc đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn 2011- 2019. Đến nay, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất nguồn điện đạt trên 55.000MW, tăng 2,7 lần so với năm 2010, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. 100% số xã và 99,52% các hộ dân trên cả nước, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn được EVN đã cấp điện đến.

Thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, EVN cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển của tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh số hóa và phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Tập đoàn phấn đấu đạt 100% trạm biến áp 110kV được điều khiển xa và không người trực sau năm 2020; đối với trạm 220kV là sau năm 2025.

Với góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực NL, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết đang triển khai xây dựng quy hoạch điện VIII (dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020), quy hoạch tổng thể phát triển NL quốc gia (dự kiến trình vào cuối năm 2020); chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào quy hoạch điện VII.

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, thì ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42GW hiện nay lên 60GW năm 2020 và 100GW vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8- 12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào NL tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.

Công ty Điện lực Vĩnh Long lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Công ty Điện lực Vĩnh Long lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cho biết thực hiện nghị quyết này, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể, như đang từng bước chuyển đổi ngành NL hoạt động theo cơ chế thị trường.

Trong đó, ngành điện Việt Nam đã hoạt động theo mô hình thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Một số nhiệm vụ trọng tâm tới đây là hoàn thiện thể chế, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển NL quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành NL như: than, điện. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành NL.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được đánh giá nhiều đột phá trong phát triển NL quốc gia như: ưu tiên phát triển NL nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án NL quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. Điểm nhấn khác nghị quyết này là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển NL, với mục tiêu nêu rõ tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và NL nói riêng.


Bài, ảnh: HOÀNG MINH