Blog thị trường

Trái cây ngoại "lấn sân"

Cập nhật, 16:47, Thứ Sáu, 10/07/2020 (GMT+7)

Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam muốn ăn những loại trái cây nhập khẩu từ các nước như: Úc, Mỹ... thường chi khá nhiều tiền, bởi thường có giá khá đắt đỏ. Tuy nhiên, dạo gần đây, nhiều loại trái cây nhập khẩu này đang “lấn sân” trên thị trường, với giá cả “ăn được”.

Từ “chợ online” hay tại các siêu thị trên địa bàn, nhiều loại trái cây ngoại được bày bán khá nhiều như: nho xanh, đỏ Úc, táo Fuji Hàn Quốc. Giá cả cũng khá mềm, dao động từ 65.000- 70.000 đ/kg,... Thậm chí tại một siêu thị, táo Red Delicious Mỹ còn chỉ 39.000 đ/kg; táo Braeburn nhập khẩu New Zealand giá mỗi ký chỉ 50.000đ. Và thường các gian hàng trái cây này cũng được nhiều bà nội trợ quan tâm, tìm đến mua.

Nguyên nhân trái cây ngoại về nhiều, theo một số siêu thị, do việc nhập khẩu trái cây đã thông thoáng hơn nhờ hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, với việc tràn ngập trái cây nhập khẩu giá rẻ trên thị trường cũng bắt đầu khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi, các doanh nghiệp trái cây trong nước luôn tích cực tìm hướng xuất khẩu trái cây nội ra thị trường quốc tế, khó tính, nhưng lại không thể chinh phục người tiêu dùng trong nước, đang là vấn đề cần quan tâm.

Việc mở cửa từ các chính sách, ký kết hiệp định thương mại vừa là cơ hội vừa là thách thức cho trái cây Việt Nam nói riêng và sản phẩm Việt Nam nói chung.

Không thể khẳng định trái cây nội “thua” trên sân nhà, đồng thời không phủ nhận sức hút từ trái cây ngoại, nhưng người tiêu dùng cần có cái nhìn đúng đắn công bằng hơn về trái cây nội- ngoại để có quyết định lựa chọn tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trái cây trong nước nhiều loại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập ngoại. Vì thế, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh, cần có chiến lược quảng bá thương hiệu, nâng tầm, nâng vị thế trái cây Việt Nam trên sân nhà, tạo lòng tin tuyệt đối vào người tiêu dùng.

NGUYỄN HOÀNG