Đổi mới tư duy trên đồng đất

Cập nhật, 05:14, Thứ Sáu, 22/05/2020 (GMT+7)

Bao ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của hàng triệu người trong nước và còn vươn ra thế giới, nông dân có phải sẽ ngày càng giàu lên? Nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”?

Sau khi dành hàng giờ lắng nghe những tâm tư, trăn trở của nông dân tại buổi đối thoại với nông dân cả nước vào ngày 10/12/2019 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân.

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi: “Đất nước cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển nông nghiệp”.

“Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực tự cường sẵn có”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhằm góp phần làm sáng tỏ tính cấp thiết của yêu cầu đổi mới, chúng tôi đã gặp gỡ ngành chức năng, trao đổi “đầu bờ” với nông dân… Thực tế cho thấy, dù canh tác, sản xuất trên những “thửa ruộng cũ, mảnh vườn xưa” nhưng không ít nông dân đã đổi mới tư duy, cách làm để mạnh mẽ bước đi trên đường hội nhập.

Kỳ 1: “Bắt mạch” thị trường để chủ động sản xuất

Không chạy theo phong trào, cũng không còn phó mặc cho những rủi may, câu chuyện về “nghiên cứu” thị trường để chủ động sản xuất mà các nông dân chia sẻ với chúng tôi nóng rẫy nơi bờ mương, liếp rẫy.

Nông dân cần đổi mới tư duy, cách làm trên đồng đất. Trang trại lươn giống của anh Nguyễn Thanh Tân liên tục mở rộng quy mô. Ảnh: Lươn giống Thanh Tân cung cấp
Nông dân cần đổi mới tư duy, cách làm trên đồng đất. Trang trại lươn giống của anh Nguyễn Thanh Tân liên tục mở rộng quy mô. Ảnh: Lươn giống Thanh Tân cung cấp

“Bắt mạch” thị trường chọn giống cây, con

Ở thủ phủ khoai lang miền Tây và có 12 năm gắn bó với cây khoai lang, nhưng từ năm 2018 đến nay, anh Đặng Hoàng Minh (ấp Tân Qui, xã Tân Bình- Bình Tân) chuyển sang “trồng rau màu theo nhu cầu thị trường”.

Hướng ra ruộng màu xanh tốt, anh Hoàng Minh chậm rãi nói: “Tất cả đều qua tìm hiểu, nhắm chắc 60- 70% hiệu quả mới trồng”. Khi chúng tôi hỏi “anh nhắm bằng cách nào” thì anh xởi lởi: “Giờ muốn tìm hiểu về một giống cây, con chỉ cần lên mạng “gõ” là có rất nhiều.

Báo, đài cũng cập nhật hàng ngày. Đồng thời, là hỏi thăm người quen và thương lái. Từ các nguồn đó, tôi thường để ý xem huyện nhà, tỉnh mình và các tỉnh khác xuống giống cây màu gì nhiều để… né.

Anh Hoàng Minh đầu tư nhà lưới trồng luân canh các loại màu, giúp giảm thiểu sâu bệnh và hạn chế phân thuốc.
Anh Hoàng Minh đầu tư nhà lưới trồng luân canh các loại màu, giúp giảm thiểu sâu bệnh và hạn chế phân thuốc.

Đồng thời, canh thời điểm phù hợp để đầu tư trồng cho đạt và bán được giá. Hiện, anh Hoàng Minh đang canh tác 12 công đu đủ Thái Lan, ớt sừng vàng và một số loại rau.

Cũng “bắt mạch” thị trường để chọn giống nuôi trồng, từ những năm 2000, trong khi xã Long Mỹ (Mang Thít) là vùng chuyên trồng lúa, màu thì lão nông Huỳnh Văn Sơn đào ao nuôi cá.

Hàng ngày, ông liên lạc, hỏi thăm thương lái và người nuôi cá ở các nơi để nắm tình hình nuôi trồng và giá cả, học hỏi, chia sẻ kỹ thuật nuôi. Theo đó, trước khi thả nuôi loại cá nào, ông đều lên lịch, dự đoán tháng nào trong năm hút hàng, tháng nào dội chợ. 

“Tuy cũng có suýt soát nhưng cũng trong giới hạn rủi ro đã tính toán”- ông Sơn nói. Từ một ao nhỏ ban đầu, đến nay ông Sơn đã mở rộng 9 ao trong 20 công đất. Hiện các ao cá cho thu hoạch hàng trăm tấn, lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Linh hoạt xoay chuyển sản xuất

Ông Sơn (bìa trái) bên ao nuôi cá cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Ông Sơn (bìa trái) bên ao nuôi cá cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Từ con cá rô đồng nuôi lúc đầu, ông Sơn chuyển sang nuôi cá điêu hồng giống, cá sặt rằn, cá trê, cá lóc,... Việc đa dạng hóa nhằm phù hợp thổ nhưỡng và để “con này dội chợ thì còn
con kia”.

Cũng theo ông Sơn, đầu ra cho con cá rất tốt nhưng giá thành biến động thất thường nên lỗ lã không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, khi gặp khó “lùi 1 bước thì phải tiến 2 bước”.

Ông dẫn chứng: “Có lần tui thu hoạch 13 tấn cá lóc với giá chỉ 28.000- 29.000 đ/kg. Tuy nhiên, do có tìm hiểu nên tui nuôi bồi tiếp. Nhờ vậy, thu được 35 tấn cá với giá 35.000 đ/kg, lời hơn 400 triệu đồng”.

20 năm gắn bó với nghề nuôi cá, lão nông Huỳnh Văn Sơn đúc kết “làm nông cần có niềm tin, kiên trì và biết dự đoán nhu cầu, quy luật cung cầu…”.

Ông Võ Hiếu Nghĩa- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ- cho biết: Ông Huỳnh Văn Sơn là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền. Nhờ làm ăn hiệu quả mà gia đình ngày càng khấm khá, chung tay cùng địa phương hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Với “hơn chục năm cuốc khoai”, anh Hoàng Minh cho hay, lúc anh trồng, khoai lang đang lên ngôi: Nước ngập tháng 10 âl thì cuốc dây- bán hom giống cho bà con đã đủ lấy lại chi phí đầu tư, củ thì thời điểm đó giá cao (800.000- 1.000.000 đ/tạ).

Nhờ đê bao khép kín, bà con quanh vùng thấy trồng khoai hiệu quả thành ra cuốc khoai quanh năm, dẫn đến có thời điểm dội hàng, rớt giá. Do vậy, anh tạm ngưng trồng khoai và “nghe ngóng tình hình, nhắm vụ nào ổn thì cuốc lại”.“Tức là theo thị trường chớ không như lúc trước theo hoài một giống”- anh Hoàng Minh diễn giải.

Nông dân Đặng Hoàng Minh (xã Tân Bình- Bình Tân): Nghề nông đổi khác- nông dân cần đổi mới

Ngày xưa, nông dân trồng lúa chủ yếu để ăn, dư ra thì bán, bán không được thì “ví” lại trong bồ. Còn bây giờ làm nông rất khó, một phần do đất đai, mùa vụ, đê điều đã khác, cây trồng trên đất cũng không còn phân biệt “đất gò làm màu, đất đồng trồng lúa” hay “mùa nào thức ấy” như trước nữa. Một phần, do nhiều nông dân còn khư khư với tập quán cũ đẩy tới chỗ khó. Do đó, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nông dân cần đổi mới. Thời buổi bây giờ làm nông mà không tìm hiểu thị trường, không liên kết thì khó mà có hiệu quả kinh tế được.

Cùng với linh hoạt chọn giống cây con, anh Hoàng Minh chú trọng cập nhật kiến thức, bắt nhịp xu hướng làm nông mới, hướng đến công nghệ cao. 

Vừa qua, anh mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho 5,4 công đất và 1 công làm nhà lưới với tổng chi phí gần 100 triệu đồng (Hội Nông dân huyện và Trạm Khuyến nông hỗ trợ 23 triệu đồng).

Hiệu quả rõ rệt nên anh dự kiến khi có điều kiện sẽ đầu tư nhà lưới toàn bộ diện tích, đầu tư hệ thống tưới nước điều khiển từ xa qua điện thoại…

Là xã viên của Hợp tác xã Rau củ quả Tân Bình, anh Hoàng Minh nhận thấy hiện nay nông dân làm ra nông sản không khó nhưng còn nhỏ lẻ, không theo quy chuẩn dẫn đến bấp bênh. Chỉ có hợp tác xã mới dẫn dắt, hỗ trợ quy trình sản xuất, đầu ra ổn định...

Do đó, anh “chắc nịch” rằng: “Nông dân phải vào hợp tác xã để cùng nhau nuôi trồng trên diện tích lớn, hàng hóa ổn định thì tiêu thụ ổn định hơn”.

Hiện, anh đang xúc tiến kế hoạch liên kết nông dân để đi xa hơn. Trước mắt là “mở quầy bán hàng, tập trung khoảng 10 hộ trồng rau an toàn để liên kết đơn vị thu mua vì họ cần số lượng nhiều”.

Vừa qua, anh Hoàng Minh được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 2 năm liên tiếp (2018- 2019), anh cũng là một trong những nông dân nhiệt tình đóng góp xây dựng cầu đường để chung sức cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới…

Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đúc kết về những “điểm mới” của nông dân: Nếu trước đây nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán thì hiện ngày càng có thêm sự đổi mới, sáng tạo do biết nắm bắt xu thế thị trường, ứng dụng khoa học- kỹ thuật để giảm sức lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kịp thời cung cấp, dự báo thông tin về thị trường cho nông dân

Tại buổi đối thoại với nông dân cả nước tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Nông nghiệp- PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, cần có dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân trên các trang web của mình, nhất là thông tin về thị trường, tiêu chuẩn xuất khẩu… Đặc biệt, phải rà soát lại các loại thủ tục và có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến quy hoạch, thị trường, vốn, vật tư nông nghiệp.

Kỳ 2: Vun bồi tri thức để làm “doanh nhân nông nghiệp”

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN