Doanh nghiệp xoay xở ổn định sản xuất

Cập nhật, 06:20, Thứ Năm, 26/03/2020 (GMT+7)

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang xoay xở để duy trì hoạt động, nỗ lực vượt khó khăn.

Nước mắm Hòa Hiệp đang đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội địa.
Nước mắm Hòa Hiệp đang đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội địa.

Đầu ra đang thực sự là vấn đề lo lắng của nhiều DN, khi các thị trường xuất khẩu lớn đều bị ảnh hưởng.

Ông Đỗ Văn Nghĩa- Phó Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Tuấn (xã An Bình- Long Hồ) chuyên nuôi cá điêu hồng, cho biết thị trường tiêu thụ hiện hết sức khó khăn. 11 xã viên hợp tác mỗi ngày có khả năng cung ứng 15- 20 tấn cá nhưng hiện thị trường cần chỉ khoảng 10 tấn.

Thương lái giảm mua nên lượng tồn đọng khá lớn. Theo đó, giá cá tuột dốc từ sau tết và nhất là khi dịch bệnh xuất hiện.

Nhiều doanh nghiệp xoay xở để duy trì hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp xoay xở để duy trì hoạt động.

“Thời điểm này những năm trước, nước nhiễm mặn lượng cá đồng ít nên cá điêu hồng của hợp tác xã có giá từ 35.000- 37.000 đ/kg, nhưng hiện chỉ khoảng 28.000đ, trong khi chi phí nuôi lên tới 31.000- 32.000đ, nhiều người nuôi lỗ nặng.”- ông Nghĩa nói, đồng thời cho biết giải pháp tạm thời hiện nay là tăng cường bán chợ nhưng cũng không phải là tối ưu, bởi lượng cá tới thời điểm thu hoạch lớn, trong khi kênh tiêu thụ này chỉ nhỏ giọt.

Trong khi đó, theo một công ty xuất khẩu thủy sản đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên địa bàn, khi có thông tin về dịch bệnh, công ty đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, nhưng đến nay sản lượng hàng hóa qua cảng đã giảm 30%- mức mà công ty đã lường trước.

Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu cả năm và tác động đến đời sống, thu nhập của người lao động trong công ty.

Theo Cục Thống kê, ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã giảm 0,2% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 4 nhóm hàng gồm: may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông và bưu chính viễn thông giảm đáng kể.

Ngành chức năng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân ảnh hưởng dịch COVID- 19.
Ngành chức năng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân ảnh hưởng dịch COVID- 19.

Dịch bệnh không chỉ tác động ở hiện tại mà khả năng sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều dự định của DN trong tương lai. Để ổn định thời gian này, đa số DN phải điều tiết sản xuất hoặc linh hoạt chuyển hướng kinh doanh mở rộng thị trường để phù hợp tình hình.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp Vĩnh Long, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu- tuyến công nghiệp quý I/2020 ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.995,97 tỷ đồng, tăng 8,85%; doanh thu 4.165,48 tỷ đồng, tăng 8,81%; xuất khẩu 106 triệu USD, tăng 18%; nhập khẩu 48,14 triệu USD, tăng 13% so cùng kỳ. Lao động tăng 8.438 người so cùng kỳ, với tổng số 40.755 người.

Như tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, ngoài bán hàng tại chỗ, cũng đa dạng hình thức- kinh doanh qua mạng. Theo đó, lượng hàng mua sắm trực tiếp và đặt qua điện thoại tăng đáng kể những ngày qua. 

Song song đó, siêu thị cũng thực hiện chặt chẽ các công tác phòng, chống dịch nơi làm việc bằng các giải pháp như: đo thân nhiệt cho nhân viên, khách hàng ra vào siêu thị hay rửa tay trước khi bước vào khu vực mua sắm.

Để hỗ trợ cho DN ổn định sản xuất, ngành ngân hàng cũng đã sớm vào cuộc để triển khai các giải pháp hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, kịp thời thực hiện giãn nợ, miễn giảm lãi vay… theo Thông tư Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành dự thảo về nghị định gia hạn thời gian nộp thuế thêm 5 tháng trong năm 2020 đối với các đối tượng là DN, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thuộc các lĩnh vực nông- lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú.

Điều này cũng phù hợp với đề xuất từ các DN của tỉnh trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng như hiện nay.

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD. Thị trường Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ có kim ngạch nhập khẩu thấp, lần lượt đạt 8 tỷ USD, 2,1 tỷ USD và gần 2,2 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước đã tăng lần lượt là 9%, 3,5% và 13,6%. Thực tế này cho thấy đang có sự xoay trục cũng như đa dạng hơn của DN nội trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc- vốn đang đình trệ bởi dịch bệnh.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG