Trái cây Vĩnh Long bước ra thế giới

Cập nhật, 05:46, Thứ Năm, 23/01/2020 (GMT+7)

Với lợi thế phát triển cây ăn trái, đổi mới tư duy sản xuất của nông dân cùng sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của tỉnh, Vĩnh Long đã tạo dựng thương hiệu cho nhiều loại trái cây như: bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm,... Trong đó, nhiều loại trái cây đã bước ra thị trường thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn cao.

Khoai lang Bình Tân là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, được nông dân chú trọng nâng chất lượng. Ảnh: LÊ HIẾU
Khoai lang Bình Tân là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, được nông dân chú trọng nâng chất lượng. Ảnh: LÊ HIẾU

Chôm chôm, xoài, bưởi Năm Roi… nối bước ra thế giới

Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các nông sản chủ lực như lúa gạo, khoai lang, trái cây đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,…

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng với nhiều thương hiệu nông sản được ưa chuộng trong nước và từng bước đi ra thế giới.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT nhận định: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam xác định xây dựng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu.

Riêng Vĩnh Long, với lợi thế nguồn nước ngọt quanh năm thuận lợi cho nhiều loại cây ăn trái phát triển như bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm,…

Thời gian qua, diện tích cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn và GAP không ngừng tăng lên, góp phần đưa trái cây xâm nhập vào các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao của thế giới”.

Xoài Việt Nam đã có trên kệ tại siêu thị ở Mỹ.
Xoài Việt Nam đã có trên kệ tại siêu thị ở Mỹ.

Tự hào là nơi có những trái xoài đầu tiên được “check in” tại Mỹ, anh Nguyễn Văn Trúc Linh- Giám đốc Hợp tác xã Xoài Quới Thiện (Vũng Liêm) cho biết: “Trước đây, chủ yếu xoài bán cho thị trường nội địa.

Việc liên kết hợp tác tiêu thụ đã mở lối cho xoài đi vào Mỹ- một trong các thị trường khó tính nhất thế giới, tôi rất mừng.

Không chỉ có đầu ra ổn định mà giá trị nông sản càng được nâng cao”. Đó không chỉ là tin vui cho trái xoài mà còn khuyến khích các loại cây trái khác tiếp bước.

Trước đó, chôm chôm Bình Hòa Phước đã được xuất khẩu sang một số nước Châu Âu như Hà Lan, Pháp, Nga,... Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ)- cho rằng: “Đó là nhờ đổi mới tư duy, bền bỉ thực hiện quy trình sản xuất an toàn để sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì”.

Đây là cơ sở giúp hợp tác xã thừa thắng xông lên, mở rộng thị trường tiêu thụ qua việc cùng các thành viên cam kết thực hiện các quy chuẩn sản xuất như truy xuất nguồn gốc, dán tem, mã số vùng trồng...

Trong khi đó, một trong những sản phẩm nằm trong nhóm danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh- bưởi Năm Roi cũng không chịu “đứng yên”.

Bên cạnh việc tận dụng các dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh, nông dân đã có sự chuyển hướng tích cực nhằm nâng cao giá trị, chất lượng. Việc công bố bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xem như bảo chứng giúp bưởi Năm Roi Bình Minh tạo niềm tin với người tiêu dùng, mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Thực sự, ông Nguyễn Thành Chua- Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX Bình Minh) cho rằng: “Chỉ dẫn địa lý cũng được xem là công cụ quan trọng, cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ tin tưởng hơn”.

Tạo bước tiến bền vững

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nhiều thương hiệu nông sản của Vĩnh Long đã được thị trường biết đến, như: bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, chôm chôm Bình Hòa Phước, sầu riêng Ri 6, khoai lang Bình Tân, cánh đồng mẫu lớn với các giống lúa chất lượng cao và một số sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Chôm chôm Bình Hòa Phước đã góp mặt tại nhiều thị trường khó tính.
Chôm chôm Bình Hòa Phước đã góp mặt tại nhiều thị trường khó tính.

Theo Sở Khoa học- Công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp rất được chú trọng, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng bưởi Năm Roi, vùng trồng cam sành, vùng nhãn, chôm chôm,…

Phát triển các nông sản chủ lực là một trong những chương trình trọng tâm thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững địa bàn tỉnh. Đến nay, 6 sản phẩm chủ lực (3 cây: lúa, khoai lang, cây có múi; 3 con: heo, bò, cá) cơ bản phát triển ổn định.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp- PTNT, việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản này chưa được đầu tư và phát triển đúng mức. Ví dụ như bưởi Năm Roi Bình Minh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng đến nay chưa có một thương hiệu đặc trưng.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liêm cho rằng: “Việc xây dựng, phát triển thương hiệu đòi hỏi sự đầu tư thỏa đáng, tính nhất quán, sự bền bỉ và lâu dài.

Do đó, phải làm sao kết nối được các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân; khuyến khích thành lập doanh nghiệp nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp”.

Nông nghiệp 4.0 trước hết cần hướng đến các mục tiêu: giảm giá thành, tăng chất lượng an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Vĩnh Long nói riêng, cần có sự đồng bộ các giải pháp cũng như sự quyết tâm của các cấp, các ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà sản xuất nông sản tại địa phương. Vì đó là con đường hội nhập, là xu hướng tất yếu chúng ta phải đi.l

Điều đáng ghi nhận là nông dân đã đổi mới tư duy sản xuất, dựa trên tiêu chí chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Minh chứng cho những nỗ lực đó là nông sản Vĩnh Long đã có mặt trên nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Năm 2019, xoài Vĩnh Long đã tiến bước vào thị trường Mỹ.

Bài, ảnh: TRÀ MY