Làng nghề trăm năm và "những vấn đề hôm nay"

Cập nhật, 06:37, Thứ Bảy, 18/01/2020 (GMT+7)

Ở ĐBSCL có rất nhiều làng nghề hình thành dựa vào thế sông nước, nương theo mùa nước để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức đến từ sự thay đổi thất thường của mùa nước nổi, một số làng nghề đã và đang có sự chuyển đổi để thích ứng.

Thợ làm mắm ở Châu Đốc với kinh nghiệm truyền nhiều đời đã trở nên chuyên nghiệp hóa, phân công công việc rõ ràng…
Thợ làm mắm ở Châu Đốc với kinh nghiệm truyền nhiều đời đã trở nên chuyên nghiệp hóa, phân công công việc rõ ràng…

Khi làng mắm Châu Đốc thiếu nguồn cá

Đón hàng ngàn loài cá tôm từ các đầm phá, kinh rạch theo dòng Mekong đổ về hàng năm, làng mắm Châu Đốc (An Giang) hình thành và có tuổi đời hàng trăm năm. TP Châu Đốc nằm ở ngã ba sông, nơi sông Hậu và sông Châu Đốc gặp nhau.

Đó là lý do nơi này có trữ lượng thủy sản nước ngọt dồi dào, phong phú- cơ sở để làng mắm hình thành. Cá làm mắm ở Châu Đốc thì có quanh năm nhưng nhiều và ngon nhất là vào mùa nước nổi. Các chủ vựa mắm cho biết, thường vào tháng 9- 12 âl hàng năm là thời điểm thích hợp cho các cơ sở thu mua nguyên liệu làm mắm.

Ngày nay, Châu Đốc có hàng trăm hộ dân chuyên nghề làm mắm với các nhãn hiệu được nhiều người biết đến. Trong đó, có cơ sở đã phát triển lên thành công ty, sản xuất với quy mô lớn, không chỉ bán cho khách khắp nơi đến Châu Đốc mà còn xuất khẩu.

Mắm Châu Đốc không chỉ được bán cho du khách đến Châu Đốc mà còn đi khắp các tỉnh thành và xuất khẩu.
Mắm Châu Đốc không chỉ được bán cho du khách đến Châu Đốc mà còn đi khắp các tỉnh thành và xuất khẩu.

Là chủ một doanh nghiệp đi lên từ hộ cá thể với các sản phẩm đặc trưng truyền thống là mắm, sản xuất bình quân 200 tấn/năm (60% xuất khẩu), ông Nguyễn Phụng Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555 cho biết, mắm Châu Đốc nổi tiếng một phần nhờ tay nghề thợ “kinh nghiệm truyền nhiều đời nên chuyên nghiệp hóa, phân công công việc, nhiều nơi đón thợ Châu Đốc thính mắm, xắt mắm…”.

Nguồn nguyên liệu làm mắm phụ thuộc vào nguồn cá thiên nhiên, nên khi nguồn cá sút giảm mạnh khiến ông Nguyễn Phụng Hoàng và những hộ làng mắm trăn trở vì “chắc ăn ảnh hưởng đến sự sống còn của làng mắm”.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng phân tích: “Nguồn nước thất thường, sản lượng thủy sản giảm, giá cả không theo mùa vụ khiến khó mua bán”. Trước thách thức đó, bên cạnh giữ vững chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm là cách để người dân làng nghề “lấy ngắn nuôi dài”.

“Làm mắm là chính nhưng khi thành lập doanh nghiệp tụi tui đã có dự trù nghề chế biến nông thủy sản. Quan niệm của tôi mắm là nồi cơm, còn đa dạng những sản phẩm khác là thức ăn”- ông Nguyễn Phụng Hoàng cho hay. Từ đó, sản phẩm làng nghề đã có thêm: cá khô, dưa mắm đu đủ, mắm dưa gang, mắm dưa cà pháo, bột nấu lẩu mắm, bột mắm cá lóc sấy khô…

Bởi người làng mắm bảo rằng: nguồn cá thiên nhiên sụt giảm thì không chỉ làng mắm mà những ngành nghề chế biến nuôi trồng thủy sản dọc theo lưu vực sông Mekong cũng ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự năng động, linh hoạt đã giúp họ dự báo, đánh giá thị trường và tìm hướng thay đổi để cạnh tranh.

Làng ghe xuồng “chuyển mình”

Chúng tôi ghé làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung- Đồng Tháp) thăm chiếc xuồng cui Bà Đài đã tồn tại hơn một thế kỷ qua, như một nét đặc trưng của miền sông nước. Đã qua thời “hoàng kim” nhưng nhiều người vẫn còn bám trụ nghề này đến ngày nay, bởi “không chỉ là chuyện áo cơm, mà còn để giữ được cái hồn nghề cha ông để lại”.

Vì thế, khi mấy năm gần đây mùa nước nổi trở nên thất thường và người dân không còn gắn bó với sông nước, thì người làng nghề đã “chuyển hóa” công dụng mới cho những sản phẩm xuồng, ghe, nơm, lờ, lọp,… để khách du lịch xách tay chơi.

Thoạt đầu, ai cũng nghĩ những chiếc xuồng mini chỉ làm chơi cho vui, ai ngờ “có ăn thiệt”. Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của chú Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt) ở ấp Long Hưng 2, những chiếc xuồng tưởng chừng chỉ đi trên sông nước giờ đây… nằm gọn trong bàn tay du khách.

“Sản phẩm của tui ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng”- chú Bảy Tốt hồ hởi khoe.
“Sản phẩm của tui ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng”- chú Bảy Tốt hồ hởi khoe.

Theo chú Bảy Tốt, hiện nay nhu cầu quà tặng lưu niệm, trưng bày giải trí ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu này, những chiếc xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ đã có mặt trên thị trường. “Sản phẩm của tui ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Hiện đơn đặt hàng ngày càng nhiều, đặc biệt vào dịp tết, bà con Việt kiều về quê ăn tết thường mua đem theo ra nước ngoài khá nhiều”- chú Bảy Tốt hồ hởi.

“Hô biến” thành những chiếc xuồng xách tay không phải dễ. Mà “phải có kỹ thuật riêng, vừa đẹp vừa chắc vừa cân bằng,… Các tiểu tiết phải cẩn thận, chăm chút cho đúng với nguyên bản để sản phẩm làm ra vừa có hồn vừa sắc sảo từng chi tiết, thể hiện được nét dân dã của xuồng ghe sông nước”- chú Bảy Tốt vừa mân mê từng chiếc xuồng vừa nói.

Cũng từ những trăn trở, mong muốn giữ nét đẹp truyền thống miền sông nước, vừa có thu nhập cho gia đình, chú Võ Văn Luyến cũng đã chọn cho mình cách làm mới là “thu nhỏ” nơm, lọp, lờ,… để bán cho các điểm du lịch. Chú Luyến vui vẻ nói: “Tôi làm dụng cụ bắt cá thu nhỏ này hơn 2 năm rồi. Tôi “biến nhỏ” chúng lại, vậy mà được nhiều người
khoái lắm nghe”.

Hiện tổ thủ công mỹ nghệ của chú Luyến có 8 thành viên và đã làm được 20 loại sản phẩm như: nơm, lờ, lọp, giỏ, sề, thúng, nia, rổ, gàu,… chủ yếu bán cho các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn để giới thiệu, trưng bày.

“Nghề này cần sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết để sản phẩm cầm tay mini mà giống như thật”. Bởi, những món quà chân quê không chỉ là món quà lưu niệm, mà còn nhắc nhớ du khách về hình bóng quê nhà “về sông ăn cá, về đồng ăn cua” vậy. Thế nên, chú Luyến thổ lộ: “Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều loại mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Để vượt qua thách thức, người dân làng nghề đang tiếp tục cải tiến về mẫu mã, đầu tư vốn, chất liệu mới… để những sản phẩm làng nghề đi xa hơn.

Những ngày đầu năm đi qua những làng nghề, chúng tôi nhận thấy “sự chuyển động” đáng mừng, bởi theo chú Bảy Tốt, chú Luyến, nghề này không chỉ là “duyên nợ”, mà còn là đam mê và ước mong giữ gìn nét đẹp truyền thống trong từng sản phẩm. Hy vọng với sự năng động, sáng tạo không ngừng của những người làm nghề cần mẫn sẽ giúp cho làng nghề bền vững với thời gian.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ