Hàng Việt Nam tự tin chinh phục thị trường

Cập nhật, 17:36, Thứ Sáu, 24/01/2020 (GMT+7)

Với quyết tâm khẳng định vị thế của mình trên thương trường, mở rộng kênh tiêu thụ trong nước lẫn “xuất ngoại”, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động tự “nâng cấp” mình. Nhờ đó, không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên sân nhà, DN Việt Nam lẫn hàng Việt Nam đã thực sự chứng tỏ được bản lĩnh, tự tin vươn mình, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Người tiêu dùng đã dần tin dùng hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng đã dần tin dùng hàng Việt Nam.

Tự nâng cấp

Thời kinh tế hội nhập, lắm cơ hội cũng đầy thách thức, nhiều DN cho rằng, muốn tồn tại và đi xa hơn, không còn cách nào khác là phải tự làm mới, “nâng cấp” chính mình cả về “sơn” lẫn “gỗ”.

DN buộc phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, cải thiện quy trình sản xuất, chất lượng, nâng cấp hệ thống quản lý,…

“Chúng ta đã hội nhập, phải chấp nhận cạnh tranh ngay trên sân nhà mình bằng cách tự thay đổi và vươn mình”- ông Trần Văn Lâm- Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (Bình Tân)- chia sẻ về những cơ hội kèm theo áp lực khi hội nhập.

 

Hàng Việt Nam đã có nhiều cải thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì.
Hàng Việt Nam đã có nhiều cải thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì.

Chính vì vậy, dù mới tham gia thị trường, song nhờ biết “làm mới mình”, khắc phục hạn chế của các sản phẩm cùng loại, bằng cách đổi mới công nghệ sản xuất, cho ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng nên củ quả sấy của công ty luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, doanh thu tăng 30% mỗi năm.

Ông Trần Văn Lâm hài lòng nói: “Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ăn thực phẩm an toàn cho sức khỏe, nên tiềm năng phát triển mặt hàng này rất cao. Hiện công ty sản xuất 200 tấn thành phẩm/tháng, chủ yếu là khoai lang sấy, mít sấy, chuối sấy,...

Theo phản hồi từ các đối tác, sản phẩm khoai lang ở Vĩnh Long có chất lượng vượt trội do khoai lang Vĩnh Long xốp, bùi hơn, giá thành cũng cạnh tranh hơn. Sản phẩm cũng đã xuất khẩu ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore,...”.

Trong khi đó, nhiều DN cũng đã sớm hoạch định chiến lược kinh doanh lâu dài, bởi “nếu muốn trụ vững trên sân nhà, thì chỉ có khai thác tốt thị trường nội địa và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, DN Việt Nam mới có thể dần khẳng định vị thế vững chắc”.

Với tình yêu dành cho hạt gạo Việt Nam cùng sự nhạy bén của một doanh nhân, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV- tâm huyết nói: “Trong 5 năm tới, chiến lược của công ty là đồng lòng cùng nhau thực hiện sứ mệnh “nơi sản xuất gạo sạch, cơm ngon, an toàn sức khỏe cho mọi gia đình”.

Tôi mong muốn góp phần làm cho hạt gạo Việt có tiếng nói và vị trí trên thương trường quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu đó, công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư vùng quy hoạch vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn gạo sinh học, mở rộng kênh bán hàng và thị trường phân phối ra quốc tế, tiến hành mở công ty tại Philippines nhập khẩu gạo,...”

Theo đánh giá của ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương, chính “sự chủ động hơn trên sân nhà, mạnh dạn hơn trên sân khách” của DN mà dần dần khẳng định tiếng nói của hàng Việt Nam hiện nay. Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thật sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam

Khắc phục điểm yếu, nỗ lực vươn lên, đồng thời đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh, nhiều DN vừa khẳng định tiếng nói của mình, vừa ghi điểm cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường.

 

Doanh nghiệp chủ động cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp chủ động cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Ông Trần Văn Lâm- Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food

Đừng nghĩ đổi mới, sáng tạo là những gì to tát, có thể nó bắt đầu từ những cái rất nhỏ của sản phẩm hay cách thức quản lý. Trong một thế giới năng động và đầy tính cạnh tranh như hiện nay, DN nào chỉ cần đứng yên thôi thì các DN khác sẽ vượt lên ngay. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển được, DN phải luôn luôn nghĩ cách để làm sao tăng được năng suất, chất lượng và tìm hiểu thị trường để tạo ra sản phẩm mới. Đó chính là mấu chốt của đổi mới sáng tạo để giúp cho DN của chúng tôi phát triển.

Bằng chứng là nếu như 10- 15 năm trước, hàng Việt Nam chỉ chiếm số lượng khiêm tốn 30- 50% ở chợ, siêu thị, thì hiện nay, đã tự tin có vị trí “áp đảo” 80- 90% và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Cô Lê Thị Tuyết Minh (Phường 1- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Những năm gần đây, tôi thường xuyên ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm của tỉnh nhà, bởi chất lượng, an toàn, phù hợp với túi tiền”.

Có thể khẳng định rằng, hàng Việt Nam đã tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng.

Song, vẫn còn đó “điểm trừ” cần được khắc phục. Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương)- chỉ ra rằng: Nhiều DN có khả năng cạnh tranh kém, thiết bị lạc hậu, mẫu mã chưa thật sự đặc sắc, chất lượng chưa đồng đều,... Nên “nếu có chiến lược kinh doanh phù hợp, nhận biết được phân khúc thị trường thì hàng Việt Nam sẽ “sống khỏe”- ông Hồ Trung Nghĩa khẳng định.

Chia sẻ về kinh nghiệm để tồn tại và đứng vững trên thị trường, ông Nguyễn Văn Sol- Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ thuật Tây Long (Long Hồ)- bày tỏ: “Công ty luôn tích cực tham gia các hội chợ hàng Việt Nam, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại,... Ngoài việc tiếp thu ý kiến người tiêu dùng, đây cũng là cơ hội để DN đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng”.

Có thể thấy, chính sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và nhất là sự nỗ lực của DN, đã giúp hàng Việt Nam có bước chuyển mình rõ rệt.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh gay gắt của thị trường không cho phép DN Việt thỏa mãn với những gì đã có mà đòi hỏi DN phải luôn tiến về phía trước.

Cùng với sự tự tin, bản lĩnh, DN cần phải có sự liên kết, kết nối giữa các DN để trao đổi, hỗ trợ nhau cùng phát triển, đồng thời phải biết khai thác đúng lợi thế vốn có, nắm bắt kịp xu hướng của thị trường. Có như vậy mới giữ vững được vị thế và đưa thương hiệu Việt đi xa hơn.

Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện đã có hơn 89% người dân mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam, khoảng 85% cơ quan, đơn vị chọn hàng Việt Nam sản xuất để mua sắm trang thiết bị, các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn thu hút hàng ngàn lượt DN tham gia.

Để hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ các DN có đủ điều kiện kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối lớn và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho các DN sản xuất chân chính và người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THẢO LY