Xây nông nghiệp bền vững, thay đổi diện mạo nông thôn

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 05/12/2019 (GMT+7)

Với sự đầu tư, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự mạnh dạn, chí thú làm ăn của bà con nông dân, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô tập trung được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Qua đó, các địa phương tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi cá lóc thương phẩm phát triển mạnh ở xã Trung Nghĩa, giá cả và đầu ra ổn định.
Mô hình nuôi cá lóc thương phẩm phát triển mạnh ở xã Trung Nghĩa, giá cả và đầu ra ổn định.

Sản xuất quy mô tập trung

Những năm gần đây, gia đình anh Nguyễn Văn Điệp (Ấp 4, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) là hộ tiêu biểu và tiên phong ở địa phương về chuyển đổi sản xuất với mô hình nuôi cá lóc thương phẩm.

Bình quân 1.000m2, anh Điệp thả nuôi 20.000- 30.000 con cá giống, sau 7 tháng nuôi sẽ thu về khoảng 20 tấn cá thương phẩm, nếu giá ổn định 40.000- 45.000 đ/kg sẽ thu lợi nhuận từ 150- 200 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Điệp còn vận động, hỗ trợ kỹ thuật và lo liệu con giống, nguồn thức ăn, thuốc men để cung cấp cho bà con nhằm giảm tối đa chi phí phát sinh.

Đến nay có gần 30 hộ trong xóm áp dụng mô hình nuôi cá lóc thương phẩm, luân phiên 2 vụ/năm. Đặc biệt, khoảng 3 tháng đầu tiên, cá được nuôi bằng các bể nuôi trên bờ, sau đó cho xuống ao nuôi đến khi xuất bán. Theo anh Điệp, đây là phương pháp sản xuất mới, cá sống khỏe, lớn nhanh, ít thuốc men.

Theo báo cáo của Huyện ủy Vũng Liêm, với những thế mạnh và điều kiện sẵn có để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, huyện Vũng Liêm tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất với quy mô tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản, nổi bật như: bưởi da xanh với diện tích hơn 1.400ha, giá dao động từ 30.000- 32.000 đ/kg, lợi nhuận 300- 400 triệu đồng/ha; sầu riêng với diện tích hơn 1.000ha, giá 60.000- 80.000 đ/kg, lợi nhuận từ 700- 800 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, sau nhiều năm kiên trì đàm phán, hoàn tất các thủ tục cần thiết, những lô xoài đầu tiên của nông dân huyện Vũng Liêm đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành nông nghiệp địa phương. Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.100ha xoài, chủ yếu tập trung ở các xã như Trung Chánh, Quới An.

Ở nhiều địa phương khác cũng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, như huyện Long Hồ triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình chuyển đổi cây trồng tập trung ở các xã cù lao, mô hình trồng nấm bào ngư ở xã Long Phước, mô hình nuôi cá tai tượng trong mương vườn ở xã Đồng Phú và Tân Hạnh, mô hình nuôi lươn không bùn và nuôi dê ở xã Bình Hòa Phước.

Ngoài ra, bà con nông dân còn mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố nuôi bò nái sinh sản, nuôi gà trên đệm lót sinh thái, mang lại lợi nhuận cao.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Các mô hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Các mô hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Theo đánh giá của Huyện ủy Long Hồ về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2019, tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản cả năm ước đạt hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 5,7 tấn/ha, diện tích rau màu hơn 4.300ha, dự kiến thu hoạch trên 55.000 tấn.

Về lĩnh vực chăn nuôi, trong khi chăn nuôi heo bị ảnh hưởng do bệnh dịch tả heo Châu Phi thì chăn nuôi bò, gia cầm tiếp tục duy trì và có bước phát triển ổn định. Tính đến giữa tháng 10/2019, tổng đàn bò là trên 5.700 con (tăng 1,5%) và trên 76.000 con gia cầm (tăng 0,04%).

Theo đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ, đến nay huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Long Phước, Hòa Phú, Bình Hòa Phước, Phước Hậu, Phú Đức và Lộc Hòa. Riêng xã Long Phước đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Huyện tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực phấn đấu đến cuối năm xã Hòa Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên và giữ vững tiêu chí về quốc phòng- an ninh.

Điểm nổi bật trong chỉ đạo, quản lý và điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương là việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, người dân đã đóng góp hơn 15 tỷ đồng xây dựng các công trình nông thôn, trong đó có 27 cây cầu và hệ thống đèn đường hơn 65km.

Tính đến tháng 9/2019, huyện Vũng Liêm có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,8 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, riêng xã Tân An Luông đạt 13/19 tiêu chí nâng cao.

Đồng chí Lê Văn Lập- Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm- cho biết, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đến cuối năm các xã Hiếu Nghĩa và Trung Nghĩa được công nhận nông thôn mới, xã Tân An Luông đạt nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt và đạt ít nhất 1 tiêu chí đã đăng ký đầu năm.

Qua giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2019 tại huyện Vũng Liêm và Long Hồ, đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn giám sát- đánh giá cao tính tiên phong, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con nông dân.

Trong đó có nhiều mô hình được đầu tư bài bản, thu về lợi nhuận cao như: mô hình nuôi có lóc thương phẩm của anh Nguyễn Văn Điệp, mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lương Trung Nghĩa (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm).

Nhận định đây là những mô hình có sức lan tỏa và có thể nhân rộng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Bách Khoa đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời hỗ trợ nguồn giống, tạo đầu ra ổn định để bà con an tâm sản xuất lâu dài, góp phần phát triển kinh tế địa phương, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH