Không để thiếu hàng, 'sốt giá' dịp Tết Canh Tý 2020

Cập nhật, 18:49, Thứ Bảy, 07/12/2019 (GMT+7)

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các sở, ngành Hà Nội đang tập trung chuẩn bị hàng Tết, kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa và đảm bảo bình ổn giá cả thị trường.

Các siêu thị sẵn sàng chuẩn bị lượng hàng cung ứng Tết. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.
Các siêu thị sẵn sàng chuẩn bị lượng hàng cung ứng Tết. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Dự trữ hàng Tết tăng cao

Theo UBND thành phố (TP) Hà Nội, các đơn vị kinh doanh đã có kế hoạch dự trữ, sản xuất lượng hàng hoá phục vụ Tết đạt khoảng 31.200 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch năm 2019.

Ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và các loại thịt khác phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.

Các doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Thương mại Dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... dự kiến phục vụ hàng Tết tăng trung bình từ 10 - 25% so với Tết Kỷ Hợi 2019.

Theo Phó Tổng giám đốc Hapro, ông Nguyễn Tiến Vượng, Hapro đã dự trữ 19 mặt hàng gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả các loại, cùng các mặt hàng khô, quần áo, điện máy, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Theo đó, có thể kể đến các sản phẩm mang thương hiệu  như: Gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; xúc xích, chân giò hun khói, thịt ba chỉ xông khói, thị gà hun hói của Công ty gia súc gia cầm; giò các loại của Công ty thực phẩm Hà Nội…

Còn lãnh đạo Siêu thị Big C Thăng Long cho hay: Siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30% so với Tết năm ngoái, với 1.500 tấn bánh kẹo, khoảng 300 - 500 tấn thịt lợn, gà.

Đối với mặt hàng thực phẩm, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trung bình mỗi tháng, người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 93.000 tấn gạo, 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.300 tấn thịt bò, 6.200 tấn thịt gà, 5.200 tấn thủy hải sản...

Giáp Tết, nhu cầu thịt lợn tăng lên 22.300 tấn/tháng, để có nguồn thịt lợn dự trữ, ngành Công Thương đã có các phương án dự phòng về nguồn cung.

Tại TP.Hồ Chí Minh, hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 được Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh dự báo dồi dào.

Riêng mặt hàng thịt lợn, ngành Công Thương thành phố đã có các phương án dự phòng về nguồn cung; đồng thời, tổ chức sản xuất, dự trữ các mặt hàng thực phẩm khác như: Thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả… để thay thế khi nguồn cung thịt lợn bị hạn chế.

Ngăn chặn tăng giá ‘té nước theo mưa’

Trước diễn biến giá cả thịt lợn tăng, các chuyên gia thương mại lo ngại về tình trạng giá cả hàng hóa lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng "té nước theo mưa".

Để ổn định giá dịp Tết, một số siêu thị đã chuẩn bị chương trình “Khóa giá”, cam kết không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán. 

Hệ thống siêu thị Big C Hà Nội sẽ kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn,Yên Bái... để tổ chức các tuần hàng nông sản cũng như khuyến mại hấp dẫn. Còn tại Hapro, tổng lượng hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường Tết ước đạt 768 tỷ đồng.

Trong đó, lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn 11 mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội trong dịp Tết vào khoảng 250 tỷ đồng.

Hapro sẽ chủ động 100% về vốn, mặt hàng tham gia bình ổn thị trường và chủ động đăng ký giá bán với Liên Sở Tài chính - Công Thương (công khai thông tin trên website của Liên Sở) trên tiêu chí giá bán các mặt hàng này không điều chỉnh tăng quá 5% khi thị trường có biến động. Thời gian thực hiện chương trình bình ổn xuyên suốt từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ luôn coi thịt lợn là những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền.

Vì vậy, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát thị trường, cung - cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung, nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh có sản lượng chăn nuôi lợn lớn như: Đồng Nai, Hà Nam… để nắm được tình hình, chủ động nguồn cung thịt lợn.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía Bắc, Tây Nam ngăn chặn việc đưa lợn xuất khẩu và kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, để hạn chế dịch bệnh.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức