Gam màu sáng của kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 05:22, Thứ Tư, 04/12/2019 (GMT+7)

Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng và tăng trưởng tích cực đã đóng góp vào giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của huyện Trà Ôn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm qua.

 Trà Ôn tiếp tục phấn đấu gia tăng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Trà Ôn tiếp tục phấn đấu gia tăng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng tích cực

Phát triển dựa trên lợi thế của Trà Ôn trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp với hình thức kinh doanh chuyên cung cấp phân từ trùn quế, trùn thịt, sinh khối và bò thương phẩm, Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới) đạt được nhiều kết quả phấn khởi.

Qua gần 2 năm hoạt động, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị đạt 1,375 tỷ đồng. Về hiệu quả kinh tế, mỗi thành viên được chia lợi nhuận 165 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Thới, mục tiêu chiến lược phát triển của đơn vị là nhằm tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh.

“Hoạt động của hợp tác xã tập trung vào việc tổ chức lại quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật; cung cấp nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nâng cao thu nhập cho thành viên và tạo ra tích lũy cho hợp tác xã”- ông Thảo nói, để từ đó thực hiện đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương đề ra.

Cùng với các hướng sản xuất kinh doanh, nuôi trồng mới mẻ, Trà Ôn các năm qua có vườn cây ăn trái phát triển thuận lợi, hiện tại tổng diện tích 12.223,6ha, tăng 516,8ha (đất lúa chuyển sang vườn).

Trong đó, cây cam sành chiếm 4.356,6ha (3.142,2ha cam sành trồng trên đất ruộng). Số cam sành cho hiệu quả kinh tế là 2.630ha với lợi nhuận bình quân của hộ trồng cam 150- 190 triệu đồng/ha.

Cũng cây có múi, vùng cù lao xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành có diện tích vườn bưởi Năm Roi khá lớn trong số hơn 977,3ha bưởi của huyện. Lợi nhuận đem lại cho người nông dân từ 200-300 triệu đồng/ha.

Báo cáo UBND huyện Trà Ôn năm 2019 cho biết, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đúng định hướng, lĩnh vực trồng trọt chiếm 57,3%, chăn nuôi chiếm 34,52%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,18%.

Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Huyện ủy đề ra, năm qua giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 3,02% so cùng kỳ, trong đó mảng kinh tế nông nghiệp tăng trưởng tích cực với 3,14%, đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Đẩy mạnh kinh tế tập thể, sản xuất tập trung

 Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ cam sành của bà con nông dân tại khu vực ngày càng cao, Hợp tác xã Cam sành Phú Nông (xã Thới Hòa) được thành lập và từng bước tăng quy mô, hiệu quả hoạt động. 

Vừa mạnh dạn đầu tư nhà kho tập kết để thuận tiện trong giao thương hàng hóa, hợp tác xã tiếp tục thu hút thành viên và giải quyết đầu ra bền vững cho cam sành trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thanh Trúc (Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Phú Nông) mong muốn “sự phát triển của các mô hình kinh tế trên địa bàn cùng sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ giúp kinh tế tập thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện”.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung, đạt hiệu quả cao. Trong ảnh: Vườn cam của một hộ dân ở xã Thới Hòa.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung, đạt hiệu quả cao. Trong ảnh: Vườn cam của một hộ dân ở xã Thới Hòa.

Trà Ôn hiện có 18 hợp tác xã (nông nghiệp: 14; phi nông nghiệp: 4), với tổng số 426 thành viên, 824 lao động, diện tích sản xuất 345,3ha và tổng số vốn đăng ký 8,48 tỷ đồng.

Doanh thu bình quân trong năm đạt 147 triệu đồng/hợp tác xã và lợi nhuận trung bình 24 triệu đồng/đơn vị.

Có 90 tổ hợp tác (nông nghiệp: 81; phi nông nghiệp: 9) với 1.687 thành viên, 3.315 lao động, diện tích tham gia sản xuất 1.200ha.

Đồng thời, có 10 trang trại chăn nuôi gà gia công cho các công ty, đem lại lợi nhuận khá cho người nuôi. Theo ông Trương Kế Truyền- Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ loại hình kinh tế tập thể này phát triển.

Định hướng thực hiện đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ của Huyện ủy, UBND huyện đề ra, Trà Ôn tiếp tục nâng chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với định hướng phát triển du lịch, làng nghề truyền thống.

Kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, vì thế cần đẩy mạnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, kịp thời tuyên truyền dập dịch, tái đàn.

Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận... để đóng góp cho kinh tế- xã hội huyện nhà tiếp tục tăng trưởng.

Thực hiện một trong các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Huyện ủy Trà Ôn năm 2019, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đạt trên 3.590 tỷ đồng, tăng 3,02%; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 3.303 tỷ đồng, tăng 3,14%. Năm 2020, dự kiến kế hoạch giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của huyện tăng 3,54%. 

 Bài, ảnh: MINH THÁI- TUYẾT NGA