Sau EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20%

Cập nhật, 20:49, Thứ Bảy, 16/11/2019 (GMT+7)

Tại Diễn đàn thị trường châu Âu sau Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) ngày 16/11, bà Hoàng Ngọc Oanh – đại diện Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự đoán: Dự kiến sau EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% vào năm 2020.

Bà Hoàng Ngọc Oanh (Bộ Công Thương) chia sẻ về cơ hội kinh doanh và xu hướng đầu tư trong tương lai tại thị trường châu Âu.
Bà Hoàng Ngọc Oanh (Bộ Công Thương) chia sẻ về cơ hội kinh doanh và xu hướng đầu tư trong tương lai tại thị trường châu Âu.

Theo bà Hoàng Ngọc Oanh, khi các dòng thuế giảm mạnh vào năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sang EU dự kiến tăng tới 42,7% và tăng 44,37% vào năm 2030. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng sẽ tăng từ 2,18 - 3,25% giai đoạn 2019 - 2023 lên 7,07 - 7,72% giai đoạn 2029 - 2033.

Sản lượng, xuất khẩu của các ngành nghề trong nền kinh tế như: Thực phẩm chế biến (đặc biệt là thủy sản), gạo, rau củ, trái cây, các loại hạt; điện tử, máy móc thiết bị, một số ngành chế tạo khác và các dịch vụ hàng không, chuyên môn, viễn thông, vận tải biển... sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

“Với những cam kết trong EVFTA như: Loại bỏ thuế quan, giảm hàng rào phi thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn, một số ngành dệt may, chế biến thực phẩm, ô tô sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Hoàng Ngọc Oanh nói.

Là Hiệp định thế hệ mới, EVFTA bao gồm cả những điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững. Song song với EVFTA, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn trong Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng đáng kể. 

Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ: Sau khi EVFTA được ký kết mới đây được kỳ vọng là cú hích rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Với những doanh nghiệp chưa từng tiếp cận thị trường này, EVFTA chính là cơ hội để doanh nghiệp vươn ra thị trường EU - một thị trường rộng lớn đối với các đối tác EU. Điều quan trọng, các doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. Đồng thời, phải có định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa cuối tháng 10/2019 (từ ngày 16/10 đến ngày 31/10), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 24,74 tỷ USD, tăng 17,8% so với nửa đầu tháng. Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 428,63 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 31,7 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2018. 

10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm nay là điện thoại, máy vi tính, hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, gỗ, phương tiện vận tải, hàng thuỷ sản, sắt thép và xơ sợi dệt các loại. Điều đáng mừng là trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thì có tới 8 ngành hàng có trị giá xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái; có 2 ngành hàng đạt mức xuất khẩu thấp hơn là thủy sản và sắt thép.

Có 3 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 27 tỷ USD mà dẫn dầu là điện thoại với kim ngạch 44,03 tỷ USD; có 2 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 14 tỷ USD (dệt may và giày dép); còn 5 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3,4 tỷ USD. 

Hiện tỷ trọng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang EU chiếm khoảng 18,3% và nhập khẩu từ EU là 7,2%.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức