Blog thị trường

Hạt gạo làng ta, vươn ra thế giới

Cập nhật, 06:09, Thứ Sáu, 15/11/2019 (GMT+7)

Một thông tin rất vui và rất đỗi tự hào cho “hạt gạo làng ta” là ST25 vừa được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức.

Trong 10 lần tổ chức suốt 10 năm qua. Thái Lan là nước dẫn đầu với 5 lần đạt giải nhất, tiếp đến là Campuchia với 4 lần, Mỹ có 2 lần và Myanmar 1 lần (có những năm 2 quốc gia đồng giải gạo ngon nhất).

Tuy lần đầu đạt giải, nhưng đây được xem là phần thưởng xứng đáng khi Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước nhân loại. Điều này đã trường tồn với thời gian và minh chứng rõ nét trong từng bộ sưu tập các di chỉ khảo cổ học thời đồ đá như: rìu, cuốc đá, đến thời đại đồng thau đều được người Việt cổ chạm khắc trên đó hình ảnh liên quan hạt gạo, cây lúa.

Trong quá khứ, ngoài các giống lúa có tên Nàng Hương, Trân Châu lùn, ở Nam Bộ còn có lúa không trồng mà mọc, được gọi là “lúa ma”. Còn trong tục lệ văn hóa đầu năm mới, lễ “Tịch điền” mang đậm hồn cốt Việt Nam, nhắc chúng ta một triết lý “dĩ nông vi bản”- lấy nghề nông làm gốc.

Thời chiến, hình ảnh lúa, gạo cũng hiển hiện trong nắm cơm được mẹ gói bằng mo cau mang hương đồng gió nội và đã trở thành thành ngữ: “Ăn cơm miền Bắc, đánh giặc miền Nam”… Từ một nước xin viện trợ lương thực, Việt Nam bỗng vươn mình lên trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

“Mạnh” đến nỗi có chuyên gia cho rằng “Việt Nam có thể quyết định giá gạo thế giới”. Trong đó, ĐBSCL đóng góp hơn 50% tổng sản lượng. “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy…” giờ tự hào bước ra thế giới.

Trung tuần tháng 12 tới đây, Vĩnh Long sẽ tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV- là dịp tôn vinh những giá trị của nền văn minh lúa nước, của cây lúa và người trồng lúa Việt Nam.

Việc làm rất có ý nghĩa này còn tạo điều kiện để nhà nông, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, nhà nhập khẩu, phân phối, người tiêu dùng, nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh để hạt gạo làng ta tiếp tục khẳng định là “chén cơm thế giới”.

HOÀNG MINH