Sức sống thương hiệu mạnh, doanh nghiệp phải "dám nghĩ, dám làm"

Cập nhật, 05:31, Thứ Năm, 31/10/2019 (GMT+7)

Hơn 50% doanh nghiệp (DN) trong tỉnh chưa xây dựng tầm nhìn, hệ thống đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, nhân lực xây dựng và quản lý thương hiệu. Trong khi thương hiệu- tài sản vô hình lại chính là yếu tố làm nên tên tuổi, phủ rộng thị trường, giúp DN thành công.

Sức sống thương hiệu mạnh, doanh nghiệp phải “dám nghĩ, dám làm”   Doanh nghiệp Vĩnh Long cần hướng đến việc xây dựng thương hiệu cấp quốc gia. Ảnh: VINH HIỂN
Sức sống thương hiệu mạnh, doanh nghiệp phải “dám nghĩ, dám làm” Doanh nghiệp Vĩnh Long cần hướng đến việc xây dựng thương hiệu cấp quốc gia. Ảnh: VINH HIỂN

Thương hiệu chưa vươn tầm

Xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh cho các DN trong tỉnh là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trước sự cạnh tranh khốc liệt thị trường.

Điều này, từ nhiều năm trước đây đã được tỉnh chú trọng thực hiện bằng nhiều chương trình thiết thực. Mà cụ thể là việc ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn giai đoạn 2016- 2020, đến nay mang lại nhiều kết quả tích cực.

Nhiều DN hiểu được tầm quan trọng của thương hiệu; qua đó xây dựng được hệ thống nhận diện qua bao bì, kiểu dáng, tạo thêm khả năng cạnh tranh, giúp các thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Mà tiêu biểu là bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, cam sành Tam Bình, nước mắm Gia Hỷ, gạo Phước Thành, bánh kẹo Sơn Hải, bún Ba Khánh,...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không ít DN chưa mạnh đầu tư bài bản cho xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu mạnh cạnh tranh cấp vùng và quốc gia. Việc đầu tư này được cho là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những DN lớn.

Nhiều nông sản Vĩnh Long được quảng bá, giới thiệu tại nhiều sự kiện.
Nhiều nông sản Vĩnh Long được quảng bá, giới thiệu tại nhiều sự kiện.

Theo khảo sát của Viện Quản trị Quốc tế trong chương trình phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ Vĩnh Long thực hiện đề tài “Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long” năm 2016 cho thấy, có đến hơn 80% DN chưa có chiến lược kinh doanh bài bản, chưa lập kế hoạch kinh doanh hàng năm, không có người chuyên trách làm thương hiệu, chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu.

52% DN chưa xây dựng tầm nhìn hệ thống đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, nhân lực xây dựng và quản lý thương hiệu.

Đây là những lý do chính dẫn đến việc Vĩnh Long chưa có nhiều thương hiệu mạnh nằm trong nhóm thương hiệu quốc gia, mà chủ yếu chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Mạnh dạn thay đổi

Với mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 20 thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng và cấp quốc gia.

Điều này, ngoài việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đòi hỏi từng doanh nghiệp (DN) phải “dám nghĩ, dám làm” trong thay đổi máy móc, quảng bá sản phẩm tạo khả năng nhận biết trên thị trường; có chiến lược phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu phù hợp.

Sản phẩm bún của cơ sở Ba Khánh được nhiều người biết đến.
Sản phẩm bún của cơ sở Ba Khánh được nhiều người biết đến.

Điển hình như Cơ sở sản xuất bún Ba Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) đã có 25 kinh nghiệm sản xuất bún tươi truyền thống.

Khẳng định chất lượng bằng sự tâm huyết của những người sáng lập, bà Lưu Kim Phụng và ông Trương Nhựt Khánh chủ cơ sở luôn tìm tòi và phát triển công nghệ làm bún sạch hiện đại và an toàn, tạo được sự tín nhiệm của người tiêu dùng.

Từ cơ sở nhỏ, Ba Khánh đã tiên phong chuyển đổi nghề làm bún từ truyền thống sang hiện đại. Sau khi đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2014, cơ sở đã được hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác và nhận diện thương hiệu, đồng thời mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Đến nay Ba Khánh đã phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất và triển khai các điểm phân phối rộng khắp trong địa bàn tỉnh, sang Tiền Giang, Cần Thơ và tận TP Hồ Chí Minh. Năm 2013 và 2014, Ba Khánh đã trở thành thương hiệu tiêu biểu của tỉnh và sau này còn đạt nhiều danh hiệu khác.

Qua tìm hiểu, các DN có thương hiệu cùng điểm chung là sản phẩm sạch, chất lượng vượt trội, hoạt động kinh doanh và quảng bá giá trị thương hiệu ngày càng được nâng cao, mở rộng hệ thống phân phối và tăng trưởng doanh thu.

Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV ngày càng đạt tín nhiệm của người tiêu dùng, với các loại gạo sạch có chất lượng cao được xử lý trên hệ thống máy móc hiện đại như: Tài Nguyên, Jasmine, Hàm Trâu, 64 Thơm, Lài sữa…

Các đại lý gạo ở tận miền Trung, miền Bắc tự tìm đến Phước Thành IV để có thể nhập và phân phối gạo sạch cung cấp cho người tiêu dùng có bữa cơm ngon.

DN đã đạt được nhiều danh hiệu về chất lượng như Thương hiệu Việt uy tín do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp. Đầu năm 2015, DN chính thức được cấp chứng nhận về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005.

Theo dự báo, đến năm 2022, tổng giá trị hàng giả bán trên thị trường toàn cầu sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, hàng giả đã và đang len lỏi khắp nơi.

Chính vì vậy, tạo dựng và bảo vệ được thương hiệu là một vấn đề sống còn với DN. Nhiều DN Vĩnh Long cũng đã thấy rõ điều này và thực tế đã hành động.

Song muốn bền vững, sản phẩm bước ra thị trường không chỉ trong nước mà còn là quốc tế đòi hỏi sự phấn đấu nhiều hơn, nhất là tính kiên trì cùng sự cam kết, quyết tâm thực hiện- xem thương hiệu là chuyện “sống còn”, chất lượng sản phẩm là cam kết uy tín để tạo niềm tin cao nhất cho người tiêu dùng.

Vài năm trở lại đây, các thương hiệu lúa gạo, khoai lang, bưởi, cam sành, xoài,… được quan tâm đầu tư, quảng bá nhiều hơn về thương hiệu. Nhà vườn chủ động tham gia vào sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Kết quả, nhiều thương hiệu nông sản tỉnh đã có mặt khắp các tỉnh- thành, thậm chí vươn ra thế giới

Bài, ảnh: MIỀN TÂY